“Thầy Bằng. Đó là lần đầu tiên em biết đến tên thầy. Cô bé 9A0 cứ đứng nhìn trân trân vào hàng chữ xanh nổi bật trên nền tường vàng ngay trên chiếc bảng.… Con bé không thể ngờ chỉ hai tháng sau, nó đã không chỉ được gặp mà còn được nhận sự dìu dắt, dạy bảo của vị chủ nhiệm: Thầy Bằng- chủ nhiệm khối”.
Ngạc nhiên và đầy khâm phục. Đó là tất cả những gì em cảm nhận về thầy trong lần đầu gặp gỡ, khi nghe bài diễn văn “có lửa” của thầy. Thầy biết không, ngay từ giây phút ấy thầy đã như thắp lên trong trái tim- lũ trò nhỏ còn đang ngơ ngác chưa quen lớp, quen trường- ngọn lửa của niềm tự hào sâu sắc. Không tự hào sao được khi nghe kể về truyền thống hào hùng suốt 17 năm qua của chuyên Lý. Không tự hào sao được khi nghe thầy nói về thành tích vẻ vang của chúng ta đã từng đạt được. “Từ K9 trở đi chuyên Lý của chúng ta như một chàng khổng lồ vừa thức dậy”. Trong lời nói của thầy, trong giọng điệu hào hùng, ánh mắt long lanh, em và có lẽ là tất cả các bạn hôm đó đều chợt cảm thấy khối chuyên Lý vĩ đại, tòa lâu đài tri thức kia bỗng nhiên trở nên gần gũi, thân yêu và như một con người có linh hồn, có trái tim và cả một số phận,… Còn thầy, thầy là vị quý nhân phù trợ cho con người ấy có được số phận tốt đẹp hơn.
Chắc thầy không hề hay biết trong buổi nói chu chyện đầu năm ấy, có một con bé cứ tròn mắt chăm chú nhìn thầy. Trước đó, em cứ luôn nghĩ những người làm lĩnh vực tự nhiên đều thật khô khan hoặc không thì cũng không biết nói năng trôi chảy chứ đừng nói đến có thể diễn thuyết như thầy. Chọn chuyên Lý, từ bỏ chuyên Văn, em đã nghĩ với em đó là dấu kết cho môn học mà em từng yêu quý, là dấu kết cho “khả năng bẩm sinh và diễn thuyết bẩm sinh” mà cô Văn hồi cấp II đã khích lệ em. Nhưng ngày hôm ấy, khi nhìn cử chỉ của thầy và nghe thầy nói, em hiểu rằng em đã nghĩ lầm. Trước mắt em là một nhà khoa học- một nhà hùng biện thực sự. Từng câu, từng lời thầy nói đều khiến em cảm thấy gai người như em vẫn thấy khi được nghe một bài giảng hay hoặc một ăn văn tuyệt đẹp. Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là niềm tự hào, một tình yêu thiết tha với Chuyên Lý trong thầy. Muốn có những bài diễn văn có lửa và truyền được lửa cho người nghe thì ngoài khả năng diễn thuyết trời phú còn rất cần một trái tim. Dễ hiểu vì sao những ai đã từng nghe thầy diễn thuyết đều không thể nào quên được. Niềm tự hào của thầy cứ theo từng lời nói, từng cử chỉ, vẻ mặt và cả ánh mắt truyền sang cho chúng em để rồi khi thầy nói chúng em giờ đã là một phần của gia đình lớn này thì trái tim chúng em tưởng muốn vỡ tung ra vì hạnh phúc và nguyện đem cả máu trong con tim này để rước tiếp ngọn đuốc vinh quang của Chuyên Lý chúng ta.
Ngày khai giảng đầu tiên của em tại Chuyên Lý tưng bừng như một lễ hội. Phần lễ thì vô cùng uy nghiêm trang trọng với thảm đỏ và học sinh mặc áo dài trắng đứng hai bên nghênh tiếp đại biểu và các vị khách quý. Còn phần hội thì cũng vô cùng náo nhiệt với những trò chơi (trò ngậm tăm để chuyền chun vòng … em cũng tham gia mà bây giờ nghĩ lại còn hơi ngường ngượng) và những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Đúng như thầy đã phát biểu trong buổi khai giảng ấy, lễ khai giảng đã kéo học sinh và thầy cô cũng như học sinh các khóa lại gần nhau hơn và càng làm cho Chuyên Lý trở nên thân thiết, gần gũi như một gia đình. Và với em, chỉ là cảm nhận của riêng em thôi, ngày khai giảng còn như ẩn dụ của một niềm tự hào lớn rằng chúng ta là một ngôi trường độc lập, có niềm kiêu hãnh riêng chứ không chỉ là một khối chuyên của một ngôi trường lớn. Điều này, em càng cảm nhận sâu sắc hơn khi biết chúng ta là: “Vương quốc Bo”. Khi không còn ngày khai giảng nữa, sau này, chúng em thật sự buồn vì cảm thấy vương quốc Bo đầy kiêu hãnh dường như đã khuất phục để làm một nước chư hầu còn thần dân Bo nay đã là những người dân mất nước. Nhưng đó là chuyện nói ra còn ngay tại thời điểm ấy (giá như thời gian quay trở lại) ngày khai giảng khối đã mở ra những điều kì diệu biết bao.
Trong suốt năm học đầu tiên ở Chuyên Lý, em rất ít được tiếp xúc với thầy, tất cả những ấn tượng (vô cùng sâu sắc) của em về thầy nằm trong những hoạt động được thầy lên kế hoạch rõ ràng và thực hiện chu đáo cùng những bài diễn văn có lửa. Em nhớ mỗi lần được may mắn gặp thầy là một lần được nghe thầy say mê nói kế hoạch chuẩn bị chào mừng 20 năm Chuyên Lý. Ngày đó em còn nhỏ không hiểu biết nhiều nên em chỉ thấy thầy dường như quá lo xa, còn 2 năm nữa cơ mà. Nhưng khi xa rồi em mới sực nghĩ ra thầy đã đổ dồn tâm huyết cho Chuyên Lý, vì Chuyên Lý thầy đã dâng cả cuộc sống, tình yêu và sức lực cũng như trí tuệ của mình. Tình yêu ấy khi nhận ra thì cung là khi em ngơ ngác nhìn quanh… Chuyên Lý đã vắng bóng thầy!
Bắt một con người phải rời xa thứ mình yêu tha thiết có phải là một tội ác? Có. Ngày cuối năm lớp 10 khi nghe thầy nói lời chia tay em không tin và cũng không cho mình buồn mặc dù bài diễn văn cuối cùng ấy khiến em có cảm giác bâng khuâng khó tả. Không buồn đâu! Không thể buồn được vì cả em và có lẽ cả thầy đều còn hy vọng mọi chuyện vẫn chưa phải là chấm hết ở đây, có thể năm sau thầy vẫn còn ở lại. Em không tin thầy sẽ rời xa Chuyên Lý- nơi thầy đã để lại tuổi xuân và cả một mảnh tâm hồn. Em không tin ai có thể gạt đi tất cả tình yêu thầy dành cho Chuyên Lý mà bắt thầy phải ra đi. Em tin và chờ mong năm học mới bắt đầu vẫn sẽ thấy vị vua không ngai của Bo với một nụ cười tười… vẫn sẽ được nghe tiếng dép lê loẹt quẹt vang lên trong hành lang vào những buổi trưa hè ngập nắng… vẫn sẽ thấy vị vua đời thường giản dị với áo phông cắm thùng mà khi nói về Chuyên Lý thì chợt trở nên uy vũ lạ thường. Xa thật rồi… xa thật những em tin nhất định sẽ có một ngày thầy trở lại vì vương quốc Bo là của vua Bo, không thể tách rời, không thể thay đổi được.
“Một thoáng buồn khi nghĩ về Chuyên Lý, nghĩ rằng từ các em K19 trở đi sẽ không còn ai biết đến cái tên thầy Băng nữa”. Giọng thầy buồn buồn ngghe xót xa. Không chỉ riêng em mà có lẽ rất nhiều học sinh K18 trở về trước đã không nén nổi lòng mà rơi nước mắt. Bao nhiêu năm qua cái tên Chuyên Lý và thầy Bằng dường như đã không thể tách rời. “Vua Bo” được suy tôn cũng vì điều đó. “Vua Bo” là trái tím, là linh hồn của “vương quốc Bo”, là người tiếp cho chúng em tình yêu và lòng nhiệt thành vì thế mà nên “vương quốc”. Đã hai năm rồi Chuyên Lý vắng thầy, hai năm rồi không ai còn nhớ rằng: Bo từng là một vương quốc, từng có một vị vua.
Thay cho lời kết:
“Và ta biết một điều thật giản dị… càng xa em, ta càng thấy yêu em”. ĐÓ là một quy luật của cuộc sống, của con tim. Khi phải rời xa, khi đã mất đi một con người hay một điều gì trong cuộc sống ta mới thấy con người ấy, hay sự vật ấy quý giá biết nhường nào. Với em, đó là nỗi nhớ da diết những bài diễn văn, nhớ da diết bóng dáng thầy trong sân Chuyên Lý và là cảm giác như chùng xuống khi nghe giới thiệu thầy chủ nhiệm khối không còn là thầy nữa. Em cũng nhớ biết bao Chuyên Lsy ngày em mới gặp, Chuyên Lý trong những lời kể ngập tự hào của các anh chị khóa trước và Chuyên Lý của năm lớp 10. Cái thần, cái linh hồn làm Chuyên Lý sống động như chàng khổng lồ vũ dũng giờ đã mất. Đó là nỗi đau lớn cho chững ai yêu Chuyên Lý. Và em càng cảm thấy đau lòng hơn khi chợt thoáng có những lần đặt mình vào vị trí của thầy. Những ai biết yêu đều hiểu bắt một con người phải rời xa tình yêu lớn của cuộc đời mình là một tội ác lớn! Có thể em còn quá trẻ con và hay mơ mộng nhưng em tin tình yêu sẽ chiến thắng mọi trở ngại và sẽ đến một ngày em thấy thầy trở về vị trí chủ nhiệm khối huyên Lý, trở về vị trí của vua Bo và khôi phục lại vương quốc Bo. Dù rằng thầy đã nói thầy sẽ không quay lại, dù rằng thầy đã nói tốt hơn cả là rời xa… nhưng em mãi tin và hy vọng thầy kính mến ạ!
Cuối cùng, em muốn cảm ơn thầy, cảm ơn thầy vì đã dạy em thật nhiều điều quý báu, đã cho em một hình tượng để phấn đấu suốt đời. Em rất muốn được như thầy, biết yêu, biết nói được và làm được.
“Sẽ mãi mãi không bao giờ quên tôi đã có một tình yêu chuyên Lý do thầy Bằng truyền lại”.