392 lượt xem

CẢM XÚC VÒNG CHUNG KẾT “CUỐN SÁCH CỦA TÔI” LẦN 2 NĂM 2018

Ban tổ chức xin giới thiệu bài viết của nhà văn NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ – Trưởng BGK

Cậu học sinh lớp 10 nhận giải khuyến khích mặt buồn xo. Nó cắn chặt môi, trông như sắp khóc. Nhưng nó sẽ là đứa tiến xa.
Cô bé diễn vai múa minh họa tác phẩm được giải đặc biệt run bần bật. Cô bé cũng cắn chặt môi, sắp khóc hoặc đã khóc từ trước. Cô bé sẽ là người của đám đông, sẽ sống vui.
Cái gì có thể khiến bọn trẻ con hừng hực thế? Nếu nói là sách thì nghe có vẻ phi thực nhỉ. Chính xác thì nó là câu chuyện về chia sẻ và lan tỏa tâm thế khám phá cùng nhau. Sách dù sao cũng chỉ là cái cớ. Sách nên là một cái cớ, một cái khởi đầu thôi. Còn nhiều phương tiện khác. Miễn là kẻ sử dụng tìm thấy động lực trong ấy. Đọc một cuốn sách để thu hoạch nội dung gì, có vẻ không quan trọng bằng cái quá trình đọc kia.
Hôm qua ở hội trường KTX Mễ Trì, hai trường THPT Đào Duy Từ & Bắc Hà tổ chức chung khảo cuộc thi “Cuốn sách của tôi”, có 13 tiết mục, tất cả đều của học sinh lớp 10 và 11. Ban giám khảo ngồi không có phút giải lao, căng mắt căng tai ra xem, nhưng cũng rất bõ công. Các đội thi hừng hực khi thế ganh đua. Có các thể loại tác phẩm từ tiểu thuyết văn học dịch đến hồi ký, nghị luận xã hội đến tùy bút. Mỗi cuốn sẽ có màn múa minh họa, có âm nhạc, múa bóng và trình chiếu slide.
Những cuốn sách lạ, ít người đọc cũng được giới thiệu. Những cuốn sách đã quá quen thuộc cũng vẫn là lựa chọn.
Có những lối quen quá như giới thiệu sách về Thương nhớ mười hai hay Hà Nội 36 phố phường (hơi có chút lỗi là tên sách gốc là Hà Nội băm sáu phố phường, do các bạn lấy từ một bản in không chuẩn), có những hình ảnh hơi công thức như thiếu nữ xưa, áo dài, gánh hàng rong… Hoặc sách về Võ Nguyên Giáp hoặc Mãi mãi tuổi 20, giống cảnh của những chương trình kỷ niệm chính thống: có hò kéo pháo, có dân công tải lương, có bộ đội lên đường, các cặp nam nữ chia tay mái trường… Nhưng mà đáng yêu kinh khủng. Những màn múa tập thể đầy nghiêm túc và nỗ lực.
Hai cậu bé thuyết trình về cuốn sách đình đám của Đặng Hoàng Giang, Thiện ác và smartphone, tự tin và thông minh, hợp với phong cách cuốn sách. Một trong hai cậu có lối nói rất tự nhiên và làm chủ được không gian. Nói chung có xem những màn này mới hiểu vì sao một số cuốn sách thành công để chinh phục rộng rãi bạn trẻ và những cuốn khác thì không.
Ba bạn trình bày về cuốn nhật ký đã được giáo đến mòn của Nguyễn Văn Thạc, nhưng cũng có những khoảnh khắc cảm xúc. Bạn nam không biết có phải đang cố nhớ lời hay thế nào, nhưng cách bạn đấy nhắm mắt lại đọc những lời về một thời đã rất xa xôi mà đột nhiên gây cảm giác mạnh cho tất cả.
Có những cuốn bộc lộ tham vọng hơi có phần cực đoan của các tâm hồn trẻ dại, khiến giám khảo nhớ lại cái thời nhiều ảo tưởng của mình :-).
Những tiết mục được giải cao đều là những phần các bạn nắm được tinh thần các cuốn sách, phối hợp tập thể tốt, và gây được cảm giác đẹp. Không nhất thiết là cuốn sách “tốt”, đồ sộ hay vấn đề to tát, mà là cuốn sách các bạn tìm thấy mình trong đó. Trình diễn có thể hoành tráng nhưng cũng không nhất thiết. Hai bạn trẻ múa quá đẹp cho tiết mục Khi lỗi thuộc về các vì sao đủ để cho tiết mục này được giải nhì, cho dù phần thuyết trình hơi lan man. Nhưng bọn trẻ con này yêu nhân vật của mình, yêu cái thông điệp, nên cứ tự nhiên mà làm cho các thứ thành ra đẹp. Hai tiết mục giải cao nhất – Lỗi 404 (giải ĐB) và Quá trẻ để chết – hành trình nước Mỹ (Nhất) đều không phải trên cơ sở các cuốn sách “lớn” theo tiêu chí văn học, nhưng sự thật chúng là sách của thế hệ bây giờ. Bọn trẻ gào thét, khóc lóc, vì những điều gần gũi trong đấy. Cũng có thể sẽ có hoạt cảnh Những người khốn khổ hay Anna Karenina kiểu Broadway, biết đâu sau này sẽ có.

Về nhà, cứ nghĩ hai điều mà buồn. Liệu đây có phải là một hoạt động đơn lẻ, một môi trường cá biệt không? Bao nhiêu đứa trẻ khác bị bố mẹ than thở không chịu đọc sách. Hoặc mới rồi có người trong friendlist comment hơi mỉa mai, đứa nào đọc thì đọc hết, còn đại bộ phận vẫn truyện tranh, đừng tưởng bở. Hay ngay những gia đình gần gũi mình, nhà đầy sách nhưng sự đọc vẫn xa vời với thế hệ mới.
Buổi như hôm qua là một hoạt động diễn ra vài năm nay rồi, và có sự tài trợ của 1 công ty sách. Nhưng điều quan trọng là đại bộ phận sách được các cháu tìm đọc là của họ. Sách của họ đã steal the show, chiếm lĩnh thế giới chữ của chúng. Ấy vậy mà nhiều công ty, nhà xuất bản khác vẫn ở đâu đó, quên mất cái niche (ngách) tuy bé nhỏ mà sức mạnh cực kỳ kinh khủng này. Đừng tưởng là biên tập, in ra, lên kệ sách, ra Đinh Lễ là xong. Đừng tưởng là tặng cho vài trăm cuốn hay làm vài tủ sách mà xong. Bảo bọn nó đọc đi, ừ thì đọc, đọc xong thì làm gì? Làm gì có nhiều cô Hang Do hay thầy Tran Ngoc Hieu để tiếp lửa hay khơi gợi tranh luận, lắng nghe và nghĩ ra món. Đến những chương trình thế này mới thấy bọn trẻ con cần có đất để thể hiện sự khám phá. Bọn nó cần cái sân khấu riêng để đánh dấu vào đấy là “cuốn sách của tôi”. Đừng làm kiểu đoàn hội, đừng mặc áo đồng phục xanh đỏ. “Cuốn sách của tôi” khác với “cuốn sách của chúng tôi”!

Một số hình ảnh của vòng chung kết

https://www.youtube.com/watch?v=4Oqm59Ohk6I&feature=youtu.be

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020