432 lượt xem

Đề và bài văn nghị luận hay để lại suy ngẫm

Cảnh quan đô thị không thể thiếu những hàng cây cao vút tỏa bóng mát tạo khoang xanh bình yên… Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “Thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “Mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay…”

Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn trình bày quan điểm của bản thân về vấn đề: Cây xanh – một phần di sản văn hóa đô thị

(Đề thi thử đại học lần thứ VI trường THPT Đào Duy Từ)

Dưới đây là một số bài văn hay được tuyển chọn từ các bài thi của các em học sinh trường THPT Đào Duy Từ:

1. Bài viết của Nguyễn Thị Mỹ Linh – Lớp 12B

Từ bao thế kỷ nay, mỗi tỉnh thành, mỗi con phố Việt Nam đều gắn với những loài cây đặc trưng có thể coi là những di sản văn hóa đô thị. Nhưng không biết vô hình hay hữu ý mà dường như con người đang đánh mất đi những vốn di sản hữu hình quý giá đó.

Đối với toàn nhân loại nói chung và với mỗi người nói riêng, cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm xanh bầu không khí, giúp không khí trong lành. Đặc biệt, đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, hàng ngày, hàng giờ có vô vàn những khí độc hại thải ra từ các nhà máy, các phương tiện, gây ô nhiễm cho bầu không khí thì việc trồng cây xanh là điều cần thiết.

Ngoài ra, những hàng cây còn là những nét đặc trưng, biểu tượng cho từng dãy phố như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”… Đó cũng chính là một trong những thứ không thể thiếu của mỗi cảnh quan, khu vực. Có những người nước ngoài đến với Việt Nam, đa số họ đều rất ấn tượng với những dãy phố sạch đẹp, hai bên là những hàng cây cao, xanh mát. Đi tới những con phố nhỏ, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ, nhà cao tầng xen lẫn nhau, đâu đó lại phảng phất mùi hoa sữa, hoa bưởi. Những mùi hương dịu nhẹ, những hàng cây giúp người đi đường che nắng, che mưa.

Đặc biệt, đối với những người dân sống gắn bó từ hàng bao thế hệ nay sẽ không thể quên được những hàng cây trên mỗi tuyến phố to, nhỏ gần với những đường ra hồ Gươm, lăng Bác… Mỗi lần đi dạo quanh hồ Gươm, ngắm nhìn mặt hồ, cầu Thê Húc, những người đi bộ, những cặp đôi, những gia đình lại cùng nhau ngồi xuống ghế đá, dưới gốc cây to bao phủ.

Rồi cả những mùa mưa lũ lớn, những hàng cây như những “chiến binh” của từng dãy đường, dãy phố giúp cản phá những trận lũ lớn… Những ngày hè oi bức như đổ lửa, những tán lá xanh mát sẽ giúp cho thành phố trở nên dịu dàng hơn, đem tới những làn gió mát nhẹ xóa tan đi cái nóng của mùa hè.

Nhưng ngày nay, dường như con người đang đối xử không đúng cách đối với những hàng cây xanh đó. Họ lập ra những hợp đồng, những lô đất, những dự án khu đô thị mới mẻ, những dự án cải thiện đường sá mà sẵn sàng chặt đi những hàng cây đã gắn bó với họ hàng nhiều năm, chưa kể đến những cây gỗ quý hiếm trong số đó đã bị chặt phá.

Có những gia đình đã nhiều năm làm ăn, buôn bán dưới gốc cây ấy. Đối với họ, đó chính là những người thân, những kỉ niệm, những thứ chẳng thể thiếu được trong cuộc sống. Vậy mới thấy, một bộ phận trong chúng ta đang hành động và đối xử sai trái với những thứ đã đem lại lợi ích cho mình.

Để có thể cải thiện được những hành vi chặt phá cây xanh ở nhiều nơi, chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ, cùng tuyên truyền, bảo vệ cây xanh trước những mối đe dọa bị triệt phá. Chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn những di sản văn hóa vô giá này.

Qua đây, ta càng thấy rõ được tầm quan trọng của cây xanh và những lợi ích vô giá mà cây xanh đem lại. Nếu tự nhiên đã ban cho ta những thứ giá trị này để trở thành một phần di sản văn hóa dân tộc thì chúng ta, với danh nghĩa là những công dân cần hiểu hơn về tầm quan trọng của chúng và cùng nhau chung tay gìn giữ, bảo tồn, phát huy đem đến cho cuộc sống ngày một nhiều những hàng cây cao vutsm tạo khoảng xanh bình yên cho thủ đô.

2. Bài viết của Nguyễn Thùy Trang – Lớp 12D1

Những ngày gần đây, trên các trang mạng đang đều đưa tin về việc Hà Nội cho chặt 6700 cây xanh trong thành phố và nhận được sự phản đối gay gắt từ mọi người. Đây là một vấn đề xã hội khiến chúng ta cần phải suy ngẫm: cây xanh là một phần văn hóa đô thị.

Như một sự trùng hợp đặc biệt, mỗi thành phố trên mảnh đất hình chữ S này đều có những loài cây đặc trưng cho mỗi đô thị như: Hải Phòng “thành phố Hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu bay tít xoay xoay”… Những nét đặc trưng riêng ấy đã  tồn tại từ lâu đời, được bao thế hệ biết đến, nâng niu và trở thành một phần ký ức của mỗi con người. Khi đất nước đang trên đà phát triển, những máy móc công nghiệp, phương tiện giao thông trên đường tấp nập ồn ào thì hình ảnh về một con đường với hai bên hàng cây mới yên bình làm sao. Gọi cây xanh là di sản văn hóa đô thị bởi những cây xanh ấy đã gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của những người dân từ bao đời nay. Và càng quý giá biết bao với những hàng cây được gìn giữ lâu năm, được chứng kiến những tháng năm đất nước ta trả qua máu lửa, đất nước trong những ngày “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và những ngày đất nước đi lên phát triển. Nó được xem như một chứng nhân của lịch sử, của đô thị nơi nó tồn tại, là trụ cột tinh thần vững chắc cho những người dân nơi nó sống. Không chỉ ở góc độ thời gian, những cây xanh ấy cnf đi vào những lời ca của dân tộc, những bài hát đi vào lòng người được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh những giá trị về tinh thần nó còn là những giá trị về kinh tế vô cùng lớn. Cây xanh giải quyết được vấn đề về môi trường, sụ quang hợp của cây có thể làm giảm bớt ô nhiễm không khí đầy bụi bẩn của những đô thị. Những hàng cây cao vút tỏa bóng mát tạo khoảng xanh thanh bình. Đi trên những con đường hàng cây xanh đó, ta cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, tinh thần thư giãn. Bóng râm từ những hàng cây làm cho đô thị bớt oi nóng vào những ngày hè oi bức. Cây xanh quan trọng là vậy nhưng lại vẫn có những người ra tay chặt phá những hàng cây vô tội ấy. Đó là những hành động đáng bị lên án khi những dãy phố xanh giờ chỉ còn những khoảng không trống rỗng.

Từ bao đời nay, những hàng cây già cỗi đã trở thành biểu tượng thiêng liêng không thể thiếu của người dân Việt Nam. Những hàng cây xanh ấy đã góp phần cho đất nước được bạn bè thế giới biết đến là một đô thị xanh, trong lành và tươi đẹp. Những gốc cây đã như cụ già lão thành đứng sừng sững, hiền lành cùng sự trưởng thành của đất nước.

Là một công dân của nước Việt Nam, chúng ta cần góp sức vào việc bảo vệ, gìn giữ, tuyên truyền về vai trò hết sức quan trọng của cây xanh, để cho những cây xanh ấy có thể tiếp tục nghìn năm vững trãi, chứng kiến những thời khắc quan trọng của dân tộc, những giây phút huy hàng của lịch sử, góp phần làm đẹp tươi đất nước Việt Nam.

3. Bài viết của Hà Thị Hồng Ngọc – Lớp 12D0

Cây xanh hầu như ai cũng biết đó là lá phổi xanh của vũ trụ. Cũng có người  cho rằng nó chính là tâm hồn của thiên nhiên, đất trời qua bốn mùa xuân hạ thu đông. Và có ý kiến cho rằng cây xanh chính là một phần di sản văn hóa đô thị. Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý có các loại cây đặc trưng riêng như Hải Phòng là thành phố hoa phượng đỏ, Hà Nội có mùa hoa sữa và nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến những cánh hoa dầu xoay tít bay bay…

Di sản văn hóa là những đặc trưng văn hóa của một vùng, miền, xứ sở, đất nước được đất nước đó và thế giới công nhận. Di sản văn hóa gồm hai dạng là di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa đa dạng ở mỗi quốc gia và góp phần làm phong phú thêm văn hóa của nhân loại, tạo sức hấp dẫn cho văn hóa đất nước.

Cây xanh – một phần di sản văn hóa đô thị. Cây xanh vốn rất quen thuộc với cuộc sống hàng ngày nhưng nó mang giá trị văn hóa đô thị, khẳng định nét truyền thống của thành phố trong nhịp phát triển hiện đại ngày nay. Đất nước ta trải dài hình chữ S với những loài cây khác nhau nhưng không phải tự nhiên nhắc đến Hải Phòng ta nhớ đến thành phố của hoa phượng đỏ, ngửi thấy mùi hoa sữa ta nhớ đến Hà Nội xưa cổ kính, đẹp và thơ mộng, hay gợi nhắc đến Sài Gòn là nghĩ đến cánh hoa dầu xoay tít bay bay… Mỗi loài cây đó đã trở thành nét đặc trưng của thành phố, hóa thành tâm hồn người dân nơi đó.

Thử tưởng tượng, nếu một ngày không còn bóng dáng của những hàng cây đó, chúng ta sẽ thấy nhớ, thấy nuối tiếc vô ngàn như nối tiếc một người tri kur, nay không còn bên cạnh ta nữa. Thiếu đi cây xanh, chúng ta không chỉ mất đi một phần giá trị vật chất mà còn mất đi một phần hồn của lòng người, của đô thị và của đất nước. Thiếu đi những cây xanh là chúng ta vắng đi một người bạn đồng hành cùng ta từ thuở ấu thơ và cùng ta lớn lên từng ngày. Thiếu đi cây xanh, dù đất nước có phát triển thế nào, công nghệ hiện đại có tiên tiến ra sao thì cuộc sống vẫn trở nên vô nghĩa. Bởi vậy, cây xanh là một phần di sản văn hóa không thể thiếu đi của đô thị và của lòng người.

Nhưng mấy ai để ý đến  những hàng cây ngày qua ngày vẫn đứng đó và lặng thầm cống hiến. Chúng ta coi đó là hiển nhiên và đã quen với sự tồn tại của những hàng cây đó. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cuộc vận động trồng cây xanh – lá phổi xanh của thế giới những hoạt động ấy vẫn chưa đạt được hiệu quả. Thậm chí gần đây, thực trạng chặt phá 6700 cây xanh ở Hà Nội đã để lại những hậu quả khôn lường. Những hàng cây cổ thụ đã bị đón hạ trong vài ngày để thay vào đó là những cây mới, cây non. Người dân phải chứng kiến từng cây xanh bị chặt hạ mà đau đớn như chính tâm hồn mình đang bị rỉ máu. Vậy nhưng một bộ phận trong chúng ta vẫn không hiểu rằng: việc chặt cây xanh chính là việc làm mất đi di sản văn hóa của đất nước. Điều chúng ta cần làm bây giờ là phải bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa ấy. Mỗi chúng ta cần phải ý thức được tầm quan trọng của cây xanh và hậu quả khó lường khi thiếu vắng lá phổi xanh ấy.

Cây xanh làm nên vẻ đẹp của làng quê, đô thị. Cây xanh có tầm quan trọng, sức ảnh hưởng đối với con người. Nó còn là sự hóa thân của tâm hồn mỗi người dân, đặc biệt là người dân Việt Nam. Từng ấy thôi đủ để chúng ta yêu mến, trân trọng cây xanh như một phần di sản văn hóa đô thị và dân tộc.

 

4.

Mỗi thành phố trên dải đất hình chữ S này đều vô tình hay hữu ý có loại cây đặc trưng riêng như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”, Hà Nội “mùa hoa sữa”… Mỗi loài cây đều gắn bó chặt chẽ với mỗi thành phố riêng. Chúng đã cùng tồn tại và chứng kiến từng bước phát triển và đổi mới của thành phố nơi chúng lớn lên. Vì vậy, có thể coi cây xanh giống như một phần di sản văn hóa của đô thị.

Di sản văn hóa là những giá trị nhân văn được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác. Trên dọc mỗi tuyến đường Hà Nội đều được trồng cây, những loại cây cho bóng mát và làm đẹp đường phố như cây hoa sưa, cây hoa sữa – những loài cây gắn liền với tên của thủ đô Hà Nội. Đi dọc thành phố, trên các tuyến đường lớn, ra có thể dễ dàng bắt gặp những hàng cây cao vút hàng nghìn năm tuổi. Những hàng cây này đã được trồng từ bao đời, đã cùng dân ta chứng kiến và cùng dân tộc ta vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất của vận mệnh đất nước.

Bên cạnh việc cho bóng mát, hàng cây xanh trên mỗi tuyến phố cũng giống như những người bạn tinh thần của chúng ta. Hàng cây ấy đã đi vào trong những bài hát, câu thơ đi cùng năm tháng, trở thành những chứng nhân chứng kiến sự phát triển và đổi mới không ngừng của chúng ta. Hàng cây xanh đã cùng mỗi người dân lớn lên. Nó đem theo cả kí ức tuổi thơ của biết bao thế hệ.

Vậy mà hiện nay, Hà Nội đang tiến hành đề án chặt sáu nghìn bảy trăm cây xanh, trong đó có những cây hàng nghìn năm tuổi để trồng thay thế bằng cây vàng. Những hàng cây ấy bị chặt đi cũng như đánh mất phần nào kí ức tuổi thơ và đánh mất khung cảnh vốn quen thuộc của phố phường Hà Nội. Hiện nay, đang có rất nhiều người lên tiếng phản đối cách làm này. Hàng cây mất đi cũng có nghĩa là chúng ta đang mất đi bóng mát, mất đi mỹ quan đô thị và quan trọng hơn hết là chúng ta đã đánh mất đi giá trị vật chất, tinh thần mà ông cha ta đã để lại. Chặt hàng cây lâu đời đi để trồng thay thế bằng cây con khác, liệu đến vao giờ chúng ta có được bóng mát giống như hàng cây cổ thụ vừa gục ngã kia?

Là thế hệ trẻ của đất nước, tôi cũng muốn góp phần sức lực của mình để giữ cho thành phố luôn được bao phủ bởi màu xanh của cây lá. Tôi còn nhớ, mỗi sáng mùa thu trên con đường đạp xe từ nhà đến trường, tôi thường dừng lại bên một góc phố và nhắm mắt để cảm nhận cái se se lạnh của mùa thu, phảng phất đâu đây trong không trung mùi hương nồng nàn của hoa sữa. Ở sân trường của tôi có một gốc đa rất to, mỗi giờ giải lao, tôi đều cũng lũ bạn ra đó chơi trốn tìm, bắt ve, giã quả đa. Mỗi bước trên con đường trưởng thành của tôi đều gắn liền với một loài cây. Có lẽ vì thế mà tình yêu thiên nhiên, yêu cây xanh đã được ươm mầm trong tôi từ lúc nào không hay. Chắc hẳn không chỉ có mình tôi có những kí ức tuổi thơ với cây xanh mà rất nhiều người cũng đều có một phần kỉ niệm đẹp như vậy.

 

 

 

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020