419 lượt xem

Những bài văn tiêu biểu: kỳ thi thử Đại học lần 2 2015-2016

NHỮNG BÀI VĂN HAY…

Với mong muốn giúp học sinh nâng cao kĩ năng viết văn nghị luận xã hội, Tổ Ngữ văn trường THPT Đào Duy Từ tiếp tục giới thiệu đến thầy/cô và các bạn học sinh những đề và bái viết tiêu biểu của kiểu bài nghị luận xã hội trong các kì thi thử THPT Quốc gia của trường năm học 2015 – 2016. Nếu các em có đề và bài viết nào hay của cá nhân muốn được giới thiệu trên website nhà trường hãy gửi thư về địa chỉ mail sau This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Chúc các em viết văn ngày một sắc, nhuyễn, sáng tạo, đạt điểm cao trong kì thi THPT Quốc gia!

*                *

*

Đề 2:

Ở Việt Nam việc sinh viên thất nghiệp khi ra trường khá phổ biến. Bởi vậy nhiều bạn học sinh nghĩ rằng: “Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp”.

Là học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chon nghề nghiệp, em có suy nghĩ như thế nào về quan điểm trên?

(Đề thi thử THPT Quốc gia lần 2/2015 – 2016)

Bài viết số 1

Nguyễn Thanh Tùng -12D0.

Một tỉ phú người Pháp đã từng nói: “Học tập không phải là con đường duy nhất để thành công nhưng tôi chắc chắn đó là con đường ngắn nhất”. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn học sinh không đánh giá cao việc học và có suy nghĩ rằng : đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Đây cũng là vấn đề đang nhận được sự thu hút rất nhiều dư luận quan tâm.

Trước khi trình bày suy nghĩ cá nhân tôi, tôi xin được phủ nhận hoàn toàn quan điểm đối với suy nghĩ trên. Nên bắt đầu bằng việc tìm ra nguồn gốc từ đâu mà nhiều người lại có suy nghĩ như vậy? Đó là từ những tỉ phú Mĩ, những ông lớn không có nổi tấm bằng Đại học và đi lên từ bàn tay trắng. Những thành tích đó, những lý do đó đã khiến cho chúng ta, đặc biệt là những học sinh đang ở thời điểm lựa chọn nghề nghiệp lóa mắt. Chính sự lười biếng, chán nản sâu trong họ đã thôi thúc họ có suy nghĩ đó. Họ chỉ biết rằng có rất nhiều tỉ phú không có chút bằng cấp, mà không hề quan tâm đến những gì họ đã phải trải qua. Do áp lực từ nhiều phía đã khiến ta mệt mỏi, chúng khiến ta bám víu vào một niềm tin hư ảo. Tỉ phú phần mềm Bill Gate, từng giữ danh hiệu giàu nhất thế giới là minh chứng rõ nhất cho sự mộng tưởng vô căn cứ của thế hệ trẻ. Đúng, Bill Gate không hề có bằng đại học, nhưng đừng quên ông đã đỗ vào Harvard với điểm số gần như là tuyệt đối và cho đến giờ, việc bỏ học vẫn là điều khiến ông nuối tiếc nhất. Còn về những người thành công mà chưa từng ngồi trên giảng đường đại học khác, không phải họ không muốn đi học, mà hoàn cảnh không cho phép họ làm điều đó. Qua đó, đã có thể gần như chắc chắn quan điểm trên là vô căn cứ.

Trở lại vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay, tại sao sinh viên ra trường với tấm bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp. Đó là do họ đã hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa của việc học đại học. Có một tình trạng mà rất nhiều sinh viên Việt Nam mắc phải, ngay cả cá nhân tôi cũng mắc phải điều đó. Họ tự gieo vào tiềm thức cái suy nghĩ rằng cố gắng học tập để vào đại học, để được thảnh thơi, để không phải lo nghĩ về chuyện không có việc làm. Đó là một sai lầm cực kì nghiêm trọng. Liệu có khi nào việc 100% sinh viên học sư phạm đều làm giáo viên, hay những luật sư đều bước ra từ trường luật. Đại học không quyết định được tương lai, nhưng đại học dạy ta cách điều khiển nó. Thời gian học đại học không phải là để xả hơi cho những ngày học tập vất vả, nó là để cho ta quyết định, suy nghĩ về hướng đi của cuộc đời mình. Đại học không cho ta tấm vé vào đời, nó chỉ dạy ta làm cách nào để có được tấm vé đó. Những sinh viên ra trường nhưng vẫn thất nghiệp không thể chứng minh việc học Đại học không giúp gì được cho ta.

Tất cả chúng ta, những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đang chuẩn bị cho kì thi vào đại học, có ai từng nghĩ xem mình vào Đại học để làm gì? Để có việc làm? Hay để rèn luyện bản thân, để chuẩn bị với những sóng gió cuộc đời. Tôi tin chắc bạn sẽ không bao giờ phải hối hận khi lựa chọn con đường học tập, vì từ xưa đến nay chưa  một thời điểm nào việc học bị xem nhẹ. Bởi vậy đừng viện lý do cho sự lười biếng của mình, đừng suy nghĩ là có nhiều cách khác để mình có thể thành công dễ dàng hơn bởi không có con đường nào đưa bạn đến với thành công nhanh và bằng phẳng hơn con đường trí thức. Đúng vậy, không thể phủ nhận rằng đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp, nhưng chắc chắn cánh cửa đại học là cánh cửa rộng mở đưa ta đến với thành công.

Để khép lại bài viết này, tôi xin mượn lời của nhà kinh tế – chính khách nổi tiếng người Đài Loan, ông Tôn Vận Tuyền trong bức thư gửi con trai có viết:

“Tuy có nhiều người thành công trên đường đời mà học hành chẳng đến đâu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành mà vẫn thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng không thể thiếu sự hiểu biết. Nên nhớ kỹ điều này!”

Bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau, hi vọng mỗi bạn học sinh THPT đều không ngừng thu nhận kiến thức, tiến từng bước vững chắc trên những nẻo đường lập nghiệp đi đến tương lai!

————————–

Bài viết số 2

Nguyễn Thị Ngọc Huyền -12D1.

Ngày hôm qua trong lúc rảnh rỗi lang thang trên mạng vô tình tôi đã đọc được một bài báo viết về việc một bạn nữ có hai tấm bằng đaị học nhưng thất nghiệp, phải đi bán bánh tráng để kiếm sống. Bài viết đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về hiện trạng này của đất nước, và tôi bắt đầu lo lắng về tương lai của mình. Là một học sinh lớp 12, đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp, trước những con đường mà tôi sẽ phải đi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những sự lựa chọn: trường nghề hay trường đại học? Và có lẽ, từ nhiều trường hợp như bạn nữ trên mà nhiều bạn học sinh bằng tuổi tôi đã nghĩ rằng: “Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp”.

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ điều đó không sai nhưng không hoàn toàn là đúng. Có lẽ khi là học sinh lớp 12, khi đứng trước những lựa chọn ai cũng đã từng phải trăn trở, suy nghĩ rất nhiều về việc chọn trường, chọn nghề. Có những người cứ chọn trường trước đã rồi sau này ra trường làm được việc gì thì làm việc đấy. Cũng có người khôn ngoan hơn trong việc lựa chọn, đó là họ chọn nghề trước rồi mới chọn trường. Họ không để nghề chọn mình mà nỗ lực, phấn đấu để chọn nghề yêu thích, phù hợp với bản thân.

Lập nghiệp là những con người có quyết tâm làm việc, phát triển sự nghiệp của mình, đi lên từ hai bàn tay trắng đến thành công. Có rất nhiều người nghĩ rằng: phải vào được đại học thì mới gọi là thành công. Thực tế không hẳn vậy, có những người bản thân họ đã có sẵn trong mình những năng lực lãnh đạo, hay năng khiếu đặc biệt nào đó chỉ cần quyết tâm theo đuổi đam mê, họ vẫn có thể thành công.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay vẫn có nhiều nơi yêu cầu bằng cấp. Thế nhưng, theo tôi thấy thì tấm bằng đại học cũng chỉ là một tấm vé dùng để gõ cửa và báo với nhà tuyển dụng rằng: “tôi có bằng cấp”. Qua được cánh cửa đó thì tấm bằng đại học xem như chẳng còn tác dụng gì. Việc chúng ta có thể thuận lợi trên con đường đó nữa hay không vẫn còn phụ thuộc vào năng lực bản thân. Lúc ấy họ sẽ chẳng quan tâm bằng cấp của ta cao siêu đến đâu, thứ mà họ quan tâm là ta làm được gì có ich cho công ty của họ. Nếu được việc thì có thể sự nghiệp của ta không nhất thiết là phải phụ thuộc vào tấm bằng đại học. Vấn đề ở chỗ ta có tự tin, có cố gắng để đạt được mục tiêu của mình hay không.

Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: “Khi bạn nói bạn có thể hay bạn không thể thì bạn đều đúng”. Có lẽ đúng là như vậy. Nếu cứ suốt ngày nghĩ rằng mình không thể thì chẳng có lí do gì để ta cố gắng phấn đấu và hi vọng. Nhưng khi ta nói ta có thể thì ắt hẳn tự bản thân ta sẽ bằng mọi giá để nghĩ ra cách giải quyết vấn đề. Con người và cuộc đời ta được phản ánh một phần qua những thói quen của ta. Có lẽ bởi vậy, người ta mới nói rằng: “cách bạn làm một việc là cách bạn đã làm mọi thứ”. Nếu có thể cố gắng phấn đấu, tin tưởng vào chính bản thân mình và không hề từ bỏ ước mơ, khát vọng thì có thể “Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp”, không cần có bằng đại học ta vẫn có thể thành công với khả năng sẵn có của ta, thì chắc chắn không có gì có thể ngăn cản bước tiến của ta nếu ta không cho phép.

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020