2694 lượt xem

NHỮNG LƯU Ý VỀ KĨ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI TRONG ĐỀ THI THPT QG

          Theo cấu trúc đề thi THPTQG những năm gần đây thì sự khác biệt lớn nhất trong câu hỏi phần làm văn là yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ thay vì một bài văn hoàn chỉnh. Câu hỏi nghị luận xã hội yêu cầu luận bàn về một vấn đề thể hiện qua một nhận định, một khái niệm, một bài học hay một thông điệp… được rút ra từ ngữ liệu phần Đọc hiểu

            Trong quá trình chấm bài của học sinh, thầy/cô tổ Ngữ văn trường THPT Đào Duy Từ phát hiện một số lỗi quan trọng về hình thức và nội dung như: dung lượng quá dài (tương đương một bài văn); câu chủ đề không rõ ràng hoặc thiếu câu chủ đề… không có dẫn chứng hoặc phân tích quá kĩ dẫn chứng; kể lể lan man hoặc nhắc lại các chi tiết trong ngữ liệu phần đọc hiểu…

Để giúp các em học sinh viết đúng hướng, đúng dung lượng, phù hợp về phân bổ thời gian cho đoạn văn nghị luận xã hội, cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng – tổ trưởng tổ Ngữ văn – lưu ý với các em những điểm sau

1.Về kĩ năng tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội

1.1. Về mặt hình thức:

– Đảm bảo có câu chủ đề (đặt đầu hoặc cuối đoạn văn)

– Các câu trong đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức. HS sử dụng linh hoạt các phép liên kết câu (phép lặp, phép nối, phép thế…)

– Không sai quá 3 lỗi chính tả, diễn đạt.

1.2. Về mặt nội dung: Đoạn văn đảm bảo hệ thống các ý sau

– Nêu vấn đề: Giới thiệu thẳng vấn đề mà đề bài yêu cầu (1 câu – câu chủ đề đoạn văn)

– Triển khai vấn đề:

+ Giải thích, chứng minh:

Giải thích ngắn gọn nội dung tư tưởng, đạo lí hoặc hiện tượng được đưa ra trong đề bài (2 – 3 câu)

Nêu biểu hiện cụ thể của tư tưởng, đạo lí hoặc hiện tượng (có thể nêu dẫn chứng liên quan nhưng không nên phân tích, bình luận sâu) (3 – 4 câu)

+ Bình luận:

Bày tỏ quan điểm của bản thân đối với vấn đề mà đề bài yêu cầu

Tranh biện với những quan điểm khác hoăc những mặt khác của hiện tượng (3 – 4 câu)

– Kết thúc vấn đề: Bài học nhận thức, hành động cho bản thân (2 – 3 câu)

2. Những lưu ý trong quá trình triển khai đoạn văn

– Đoạn văn nghị luận xã hội khác với bài văn nghị luận xã hội về mặt hình thức và yêu cầu mức độ nội dung.

+ Về mặt hình thức: học sinh không được xuống dòng trong quá trình triển khai đoạn văn. Dung lượng an toàn của đoạn văn 200 chữ là khoảng 2/3 trang giấy thi (tương đương khoảng 20 dòng viết tay)

+ Về mặt nội dung: Không yêu cầu học sinh phải triển khai kĩ càng tất cả các ý như trong kiểu bài đoạn văn nghị luận xã hội

– Học sinh tránh kể lể lan man hoặc nhắc lại những chi tiết trong ngữ liệu đọc hiểu, chép lại phần đọc hiểu “lắp ghép” vụng về vào đoạn nghị luận xã hội

– Trong phạm vi một đoạn văn ngắn, học sinh chỉ nên chọn một dẫn chứng tiêu biểu, điển hình, phù hợp; tránh kể lể những câu chuyện về bản thân, gia đình để làm dẫn chứng.

– Thời gian phù hợp để học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ là 20 – 25 phút/120 phút.

3. Ví dụ minh hoạ

Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày quan điểm của anh/chị về hậu quả của việc “phán xét người khác một cách dễ dàng” (Đề thi thử THPTQG lần 5 trường THPT Đào Duy Từ)

            – Câu 1: Câu chủ đề:

Trong cuộc sống, nhiều người có thói quen phán xét người khác nhưng đã bao giờ họ nghĩ đến hậu quả của việc “phán xét người khác một cách dễ dàng” hay chưa?

            – Câu 2 -> Câu 7: Hậu quả của việc phán xét người khác một cách dễ dàng (Trình bày thực trạng và nêu dẫn chứng)

Những lời phán xét được thốt ra một cách dễ dàng thường thiếu đúng đắn, khách quan vì người thốt ra chúng chỉ dựa trên một khía cạnh nào đó với cái nhìn phiến diện, chủ quan. Với sự phát triển của mạng internet và các trang mạng xã hội, việc buông lời phán xét người khác càng trở nên dễ dàng hơn, gây ra những hệ luỵ không nhỏ trong mối quan hệ con người với con người. Người hay phán xét người khác một cách dễ dàng dần trở thành những con người ích kỉ, hẹp hòi, bị mọi người xa lánh. Người bị phán xét thiếu cẩn trọng thì bị tổn thương về mặt tinh thần (trầm cảm, stress,…) thậm chí có thể ảnh hưởng tới thể xác. Nhiều cô cậu học trò vì bị bạn bè phán xét mà dẫn đến xô xát, nhẹ thì khẩu chiến nặng thì huyết chiến. Đáng sợ hơn cả là những người nổi tiếng trong cộng đồng mạng hay trong đời sống xã hội, khi không chịu nổi những lời gièm pha ác ý, thiếu chính xác, họ đã chấm dứt sự sống của bản thân (U-Nee: nữ diễn viên kiêm ca sĩ Hàn Quốc tự sát tại nhà ngày 21/1/2007 vì những lời bình luận không hay trên mạng…)

            – Câu 8 –> Câu 10:  Bình luận

Có thể thấy, thực tế cuộc sống luôn có những người tự cho mình quyền phán xét người khác, phát huy triệt để khả năng “bới lông tìm vết”, khen thì ít mà chê thì nhiều. Chúng ta cần phân biệt sự khác biệt giữa sống có chính kiến: biết khen – biết chê với lối sống phán xét người khác một cách tuỳ tiện. Khi phán xét một  người nào đó ta cần có tấm lòng trong sáng, đức tính trung thực, chân thành, thẳng thắn góp ý như Tuân Tử từng nói: “người chê ta đúng là thầy của ta”.

            – Câu 10 –> Câu 11: Bài học cho bản thân:

Ai trong chúng ta cũng có thiếu sót, cũng có lúc buông lời phán xét người khác. Bởi vậy, hãy nhớ rằng: không nên tuỳ tiện phán xét người khác; bình tĩnh lắng nghe, tỉnh táo xử lí những lời phán xét về mình.

Chúc các em thành thục trong kĩ năng, mạch lạc trong tư duy, trong sáng trong diễn đạt, hoàn thành tốt nhất đoạn văn nghị luận xã hội!

Tổ Ngữ văn

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020