Bất cứ lứa tuổi nào khi chuyển cấp học đều cần những lưu ý cơ bản mang tính chất khoa học, giúp học sinh có tâm thế tốt, sẵn sàng bước vào cấp học mới một cách tự tin, đạt được kết quả tốt nhất trong học tập và rèn luyện.
Sau đây, Tiến sĩ Ngô Xuân Hiếu, Phó Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS&THPT Đào Duy Từ Vĩnh Phúc sẽ chia sẻ những nội dung cơ bản giúp phụ huynh hỗ trợ các con sẵn sàng tâm lý bước vào lớp 6:
TS.Ngô Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS&THPT Đào Duy Từ Vĩnh Phúc
1. VUI VẺ, LẠC QUAN, TÂM THẾ SẴN SÀNG CHUYỂN CẤP
Các con thường có tâm lý ngại và không tự tin khi bước sang môi trường học tập mới, do vậy, các bậc phụ huynh phải chia sẻ, động viên và khích lệ các con để các con vui vẻ, lạc quan, sẵn sàng tâm thế tốt nhất khi chuyển cấp vào lớp 6.
Các bậc phụ huynh có thể phân tích cho con qua các gợi ý sau: “Được đi học là niềm hạnh phúc của mỗi chúng ta, trong hành trình học tập thì giai đoạn nầm non, tiểu học và trung học cơ sở là giai đoạn chuyển cấp học có ảnh hưởng đến tâm lý nhiều nhất vì các con tuổi còn nhỏ, do vậy chuyện lo lắng là chuyện bình thường, bố mẹ hiểu điều đó, nhưng các con không phải lo lắng nhiều, một thời gian ngắn sẽ quen và vui vẻ học tập ngay thôi”. Phụ huynh có thể lấy ví dụ cụ thể như: Ngày xưa của bố, mẹ đi học thế nào, chuyển cấp ra sao và một số bạn khác cùng trang lứa với con.
2. LỰA CHỌN TRƯỜNG HỌC PHÙ HỢP
Lựa chọn ngôi trường học phù hợp cho con là điều hết sức quan trọng, điều này liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như lực học của con, quãng đường từ nhà đến trường, cơ sở vật chất của nhà trường, chất lượng giáo dục của nhà trường, trường công lập hay tư thục, chí phí học tập…
Các bậc phụ huynh cần cân nhắc năng lực học của con để lựa chọn ngôi trường phù hợp với các con. Bên cạnh đó, để lựa chọn được ngôi trường tốt thì cần phải đánh giá một cách có lý trí, khoa học, không dựa vào cảm tính. Một ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt không chỉ dựa vào số lượng giáo viên, học hàm, học vị của giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường, mà còn dựa vào bề dầy lịch sử, triết lý giáo dục của nhà trường, kết quả và thành tích học tập, rèn luyện của học sinh.
3. TIẾP CẬN MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP MỚI
Trước khi bước vào lớp 6, các con thường suy nghĩ và tưởng tượng bằng những câu hỏi với chính mình ví dụ như: trường đó ra sao, thầy cô thế nào, bạn bè mới có ngoan không, …chính những điều này dễ làm cho các học sinh hoang mang và lo lắng.
Để giúp các con giảm bớt các lo lắng đó, các bậc phụ huynh nên đưa các con đến tham quan ngôi trường mà phụ huynh đã lựa chọn. Đây là dịp để phụ huynh đi dạo cùng con trong khuôn viên nhà trường, chia sẻ những câu chuyện thời chuyển cấp 2 của bố mẹ hoặc những nét đẹp của tuổi học trò dưới mái trường phổ thông. Qua hoạt động này, các con vừa có cơ hội tham quan trường lại vừa có thời gian bên bố mẹ, hiểu và yêu ngôi trường mới hơn.
4. LÀM QUEN VỚI KIẾN THỨC LỚP 6
Lớp 5 các em đã được học các môn: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Khoa Học; Lịch sử và Địa lí; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Tiếng Anh, Tin học; Hoạt động tập thể.
Lớp 6 trong Chương trình GDPT 2018 gồm các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học (trở thành bắt buộc, khác với trước đây là tự chọn). Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Sự thay đổi về nội dung học khi các em được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, nội dung trừu tượng, phong phú sâu sắc hơn, đòi hỏi các em có sự thay đổi về phương pháp học. So với lớp 5, sự xuất hiện "mới lạ" của môn Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) sẽ làm các em bỡ ngỡ: Môn Vật lí với những bài học trừu tượng, nếu không nghe giảng kĩ các em sẽ không hiểu hết; Môn Toán, phần đầu chương trình là học về tập hợp, lũy thừa các em sẽ thấy nhiều xa lạ về kiến thức lẫn cách trình bày bài làm; Môn Anh văn ở tiểu học chủ yếu là vui học, nghe nói mẫu câu thông thường quen thuộc thì lớp 6 phải thuộc từ vựng, hiểu ngữ pháp mới có thể làm bài được.
Do vậy phụ huynh có thể cho con tham gia vài buổi học trên các nền tảng kỹ thuật số, web, các trang mạng xã hội hoặc tổ chức vài buổi học thử mời giáo viên đến dạy (có thể mời thêm một vài bạn cùng lớp với con) để các con làm quen với kiến thức lớp 6, tuy nhiên buổi học này không nên quá nặng về kiến thức, mà chỉ mang tính chất giới thiệu các môn học. Hiện nay một số trường tư thục cũng thường tổ chức lớp học làm quen với môi trường chuyển cấp vào lớp 6, đây cũng là một cơ hội tốt để phụ huynh cho các con tham gia.
5. DÀNH THỜI GIAN NGHỈ NGƠI, DU LỊCH
Sau tất cả những công tác chuẩn bị trên, giờ là lúc cả gia đình cùng nhau dành một chuyến du lịch hoặc trải nghiệm dã ngoại để thưởng cho con vì những thành quả mà con đã cố gắng suốt những năm tháng cấp một – một chặng đường rất nhiều khó khăn và vất vả nhưng cũng rất đáng yêu của lứa tuổi mới đi học.
Đây cũng là dịp để gia đình dành thời gian cho nhau, ôn lại những kỷ niệm, những khoảnh khắc đẹp của những năm tháng học tiểu học, đồng thời bố mẹ và con cùng bàn những kế hoạch, mục tiêu trong 4 năm học trung học phổ thông của con, động viên và khích lệ các con thông qua những món quà hứa hẹn để các con phấn đấu.
Học sinh Trường Đào Duy Từ tham quan tại Trường ĐH Harvard (USA)
6. MUA SÁCH GIÁO KHOA, SÁCH THAM KHẢO, ĐỒ DÙNG HỌC TẬP
Sau kỳ nghỉ, phụ huynh dành thời gian đưa con đi mua thêm những đồ dùng học tập, sách giáo khoa, sách tham khảo, cặp xách mới, đồng hồ mới, máy tính mới… để các con định hình và sắp xếp lại giá sách, tư trang cá nhân của mình, sẵn sàng tâm thế tốt nhất, tự tin bước vào lớp 6./.