2506 lượt xem

BÍ QUYẾT ĐỒNG HÀNH CÙNG CON CHỌN TRƯỜNG VÀO LỚP 10

          Trước ngưỡng cửa chuyển cấp học, rất nhiều phụ huynh và học sinh rất lo lắng và băn khoăn không biết chọn trường nào cho con vào học lớp 10. Việc lo lắng của các bậc phụ huynh hoàn toàn chính đáng, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc thi vào lớp 10 càng ngày càng khó, chất lượng tuyển đầu vào lớp 10 với số điểm cao, và tất nhiên, việc trúng tuyển vào các trường mong muốn của các bậc phụ huynh và học sinh không đơn giản.

          Sau đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Ngô Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THCS & THPT Đào Duy Từ Vĩnh Phúc.

                                                                              

(Tiến sĩ Ngô Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT Trường THCS & THPT Đào Duy Từ Vĩnh Phúc)

 

Bước 1: Hiểu con mình

          Việc cần thiết đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần phải làm là tìm mọi phương pháp, cách thức để hiểu con mình về kiến thức, kỹ năng, thái độ và những mong muốn của con. Cũng phải khẳng định rằng bố mẹ là người hiểu rất rõ tính cách của con mình nhưng sang lĩnh vực giáo dục (kiến thức, kỹ năng, năng lực học tập) thì cần phải kết hợp với các thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục để hiểu con mình đúng và đủ hơn.

          Phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con qua cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn để biết được lực học của con. Bên cạnh đó, phụ huynh nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn cách tiếp cận và khai thác những thông tin cũng như những mong muốn của con một cách nhẹ nhàng, tình cảm (vì không phải bố mẹ nào cũng đủ kiên trì để lắng nghe con và biết cách khai thác thông tin của con), từ đó sẽ hiểu con mình một cách đúng và đầy đủ.

Bước 2: Chọn trường

          Việc chọn trường cho con phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lực học và mong muốn của con, khả năng kinh tế của gia đình, quãng đường đến trường…….đó là yếu tố căn bản để chọn trường cho con, tránh tình trạng “chọn ngọn” nghĩa là chọn trường theo xu hướng xã hội, chứ không phải chọn trường vì con.

          Phụ huynh phải dám nhìn thẳng vào năng lực và mong muốn của con để chọn trường cùng con và cũng phải biết được thi vào lớp 10 không phải là con đường duy nhất. Sau lớp 9, học sinh có những con đường cơ bản như: Thi vào lớp 10, du học, vào trường nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, ở nhà đi làm giúp gia đình, đi học nghề ngắn hạn, xuất khẩu lao động…

          Qua những phân tích ở trên, nếu lựa chọn cho con thi lớp 10 tại các trường trung học phổ thông, phụ huynh cần chú ý các yêu cầu sau:

          – Trường phù hợp với sức học của con:  Đây là yếu tố quan trọng giúp con không bị stress trong quá trình học tập và phát huy được năng lực của con. Nếu trường quá sức học của con (trường đó có nhiều học sinh giỏi, các thầy cô yêu cầu cao hơn trong học tập…) con không theo kịp dễ dẫn đến tự ti trong học tập, dễ kéo theo nhiều hệ luỵ khác đến với con. Do vậy chọn trường vừa với sức học của con là yêu cầu đầu tiêu khi lựa chọn trường.

          – Trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình: Để phân tích về nội dung này, phụ huynh cần nắm được 2 loại hình trường phổ thông, trường công lập và trường tư thục. Trường công lập được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, biên chế giáo viên và các khoản chi thường xuyên, trường tư thục do công ty, cá nhân (nhà đầu tư trong nước hoặc quốc tế) đầu tư về cơ sở vật chất (hoặc đi thuê cơ sở vật chất), trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, các chi phí thường xuyên. Trường công lập và trường tư thục đều do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý về chuyên môn, chất lượng giáo dục và bằng tốt nghiệp có giá trị như nhau.

          Các bậc phụ huynh phải cân nhắc kỹ các khoản phí phải nộp trong một năm học của từng trường để tránh rơi vào tình trạng quá khả năng chi trả của gia đình. Các khoản cần làm rõ bao gồm: Học phí, học chuyên đề, hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền bán trú, tiền xe đưa đón (nếu có)….

          – Trường phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay: Nghị quyết 29 có ghi rõ “…Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn…”. Qua đó chúng ta khẳng định rằng, trường học không chỉ là nơi dạy kiến thức cho học sinh mà còn là nơi để học sinh được phát triển về thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát triển và bồi dưỡng năng khiếu….

          Để làm được những việc đó cho học sinh, ngôi trường đó phải có nhiều hoạt động để học sinh tham gia trải nghiệm thực tế cả trong nước và quốc tế, gắn lý thuyết với thực hành, giáo dục cho học sinh sự đoàn kết, làm việc nhóm, biết yêu thương và tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt, biết khiêm tốn học hỏi, biết sống vì giá trị cao cả, giúp ích cho tổ quốc, cho nhân loại và cho bản thân, trau dồi ngoại ngữ để mở mang kiến thức, sẵn sàng là công dân toàn cầu, tự hào là người Việt Nam….

         Một yếu tố quan trọng nữa là đội ngũ giáo viên phải năng động, trẻ hoá. Đây sẽ là một lợi thế vì gần với lứa tuổi học trò, dễ hiểu và đồng cảm với học sinh, học sinh cũng dễ tâm sự chia sẻ với thầy cô. Thành công của giáo dục không phải chỉ dạy cho học trò kiến thức và giúp học trò hiểu rõ về mình, yêu thương bản thân và sống tử tế. Người thầy không chỉ cho học sinh kiến thức mà còn phương pháp học tập, động cơ học tập và lòng hiếu học.

          Một ngôi trường có triết lý giáo dục rõ ràng, văn hoá nhà trường, văn hoá học đường được coi trọng, thầy cô phải là người gương mẫu trong ứng xử, trong tự học, dám cống hiến hết mình vì học sinh thân yêu, vì nền giáo dục nước nhà; học sinh phải biết lẽ phải, tôn trọng thầy cô và bạn bè, lấy sự giáo dục là cái gốc làm cơ sở để học kiến thức, lan toả giá trị bản thân và luôn tự hào là học sinh của ngôi trường mà các em đang theo học.

Bước 3: Tránh rơi vào bẫy của bệnh “theo đám đông”

          Văn hoá khoe con hay khoe tài sản vẫn hiện hữu đâu đó xung quanh chúng ta. Bản chất của hạnh phúc không phải mình sống theo dư luận xã hội hay theo suy nghĩa của người khác mà hạnh phúc chính là bản thân thấy hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống và nhận thấy mọi thứ đang đúng với con người của mình. Việc con mình học trường nào, con mình là người như thế nào là việc của gia đình mình, miễn sao gia đình hạnh phúc, bố mẹ và các con hiểu nhau, yêu thương nhau, các con được sống với chính mình, bao gồm năng lực, sở thích, mong muốn và giá trị sống.

          Xã hội đã phân công mỗi người một nghề, nghề nào cũng có giá trị riêng, tạo nên một mảnh ghép của xã hội, hướng tới những giá trị tốt đẹp. Việc chúng ta cần là dạy con trở thành người tốt, có giá trị cho xã hội và cho đất nước.

          Con đỗ vào trường top đầu cũng không khoe và con vào những trường bình thường cũng không ngại, đó mới là những phụ huynh của một xã hội hạnh phúc thật sự. Phụ huynh kiên định và tự tin với việc lựa chọn trường cho con bằng tâm thế yêu thương và đồng hành cùng con để con hạnh phúc trong quãng đường 3 năm học trung học phổ thông. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, khi con người với tâm thế vui vẻ, hạnh phúc, họ rất sáng tạo và thông minh, có nhiều sáng kiến cống hiến cho xã hội.

                                                                                              

Học sinh các trường thành viên Hệ thống Giáo dục Đào Duy Từ tham quan và trải nghiệm giáo dục tại Đài Loan tháng 4 năm 2024.

Bước 4: Các kỹ năng đánh giá trường.

            Để đánh giá khách quan về ngôi trường phổ thông, các phụ huynh tham khảo các nội dung sau:

            – Xem trên website và fanpage của trường đó.

            – Tìm hiểu qua từ khoá “tên trường” trên google và các trang mạng nhóm tư vấn giáo dục.

            – Hỏi những học sinh và phụ huynh có con học tại trường đó

            – Đến trực tiếp xin tư vấn của nhân viên, giáo viên và quan sát trường.

            – Hỏi người dân xung quanh cổng trường…

            Trên đây là 4 bước giúp phụ huynh đồng hành cùng con trong việc chọn trường vào lớp 10.

            Ban Truyền thông Trường THCS & THPT Đào Duy Từ Vĩnh Phúc xin trân trọng cám ơn những chia sẻ của Tiến sĩ Ngô Xuân Hiếu về chọn trường cho con vào lớp 10.

                                                                                                                                                                                                                                                                   BAN TRUYỀN THÔNG

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020