HIỂU THÊM VỀ Ý NGHĨA BỐN CHỮ “MƯU PHẠT – TÂM CÔNG”
TRONG “ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ” – NGUYỄN TRÃI
“Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi được đánh giá là “áng thiên cổ hùng văn”. Tuy nhiên, đây là một tác phẩm văn học
trung đại được viết theo thể cáo nên không dễ dàng trong việc tiếp nhận. Ngoài những rào cản về đặc trưng thể loại thì ý nghĩa ngôn từ trong tác phẩm này cũng là một khó khăn với học sinh THPT lớp 10.
Để giúp các em học sinh mở rộng và hiểu sâu kiến thức trong tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” cô xin giới thiệu đến các em những cách hiểu về ý nghĩa bốn chữ “Mưu phạt – tâm công”
“Chẳng đánh mà người chịu khuất ta đây mưu phạt tâm công”
(Đại cáo bình Ngô – Nguyễn Trãi)
1. Cách hiểu phố biến nhất về bốn chữ này là: đánh bằng mưu trí và đánh vào lòng người.
– Sách giáo khoa văn 9 tập 1, NXB GD 1995 nói rõ: đánh vào lòng người tức là địch vận
– Sách giáo khoa ngữ văn 10, ban Khoa học xã hội, NXB GD 1995: tâm công là tâm lí chiến trong địch vận.
Có thể nói cho đến giữa năm 1995, mọi người đều hiểu thống nhất “tâm công” là đánh vào lòng người, dù một số người muốn xác định rõ hơn nội dung của việc đánh vào lòng người ấy.
2. Tuy nhiên cũng có một số cách giải thích khác mà chúng ta cần bàn bạc
– Cách giải thích trong “Từ nguyên” cho rằng: “Tâm công” là làm tan rã đối phương trên lĩnh vực tinh thần và tư tưởng khiến cho chúng phải tâm phục. Còn “Mưu phạt” là đập tan mọi âm mưu quỷ kế của địch.
– Theo nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử thì chỉ với bốn chữ “mưu phạt – tâm công” Nguyễn Trãi đã thâu tóm được cả linh hồn, tinh túy trong các sách về binh pháp xưa, nêu bật được cùng một lúc cả hai điều cốt tử – thượng sách trong chỉ đạo chiến tranh:
+ Đánh địch trước hết phải phá vỡ âm mưu của chúng, dù đã hình thành hay còn trong trứng nước.
+ Phương pháp làm tan rã kẻ thù một cách hiệu quả nhất chính là đập tan tinh thần chiến đấu của chúng.
3. Lời kết
Bốn chữ “mưu phạt – tâm công” là sự tổng kết tài tình kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh đương thời, là biểu hiện cụ thể của truyền thống tư tưởng nhân đạo, là kết tinh nguyện vọng hòa bình của dân chúng. Vì thế mà trong “Thư dụ Vương Thông lần nữa” Nguyễn Trãi sử dụng chiến thuật “mưu phạt – tâm công” đánh trúng vào tâm lí, nhận thức của tổng binh Vương Thông, dụ hắn ra hàng, tránh cảnh xương máu cho nhân dân hai nước.
Tuy nhiên cũng cần bàn thêm là: chữ “mưu” và chữ “tâm” không chỉ tồn tại ở phía đối tượng khách thể mà còn ở phía chủ thể. Ta không thể lấy sự khờ dại mà đối phó với sự quỷ kế, âm mưu của giặc; cũng không thể lấy sự tàn bạo bất nhân để tâm phục đối phương; phải dĩ mưu trị mưu – dĩ tâm công tâm.
Hà Nội, 22/2/2014
Cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng