429 lượt xem

[ĐỒNG HÀNH CÙNG MÙA THI] HƯỚNG NGHIỆP NGÀNH LUẬT

Là một trong những hoạt động nằm trong chương trình ĐỒNG HÀNH CÙNG MÙA THI, ban tổ chức xin giới thiệu đến các em học sinh bài viết định hướng nghề nghiệp liên quan đến ngành Luật để các em tham khảo trước khi làm hồ sơ thi THPTQG2018.

I.Khái niệm.

Nghề luật là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, đang thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại tòa án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, công ty luật ( công ty Luật TNHH và công ty Luật hợp danh),cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng, các bộ phận pháp chế trong các công ty, tập đoàn và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước….

II. Đặc trưng của ngành luật

– Mặc dù ngành luật là ngành khoa học xã hội nhưng đòi hỏi phải có tư duy chính xác, rõ ràng, rành mạch và phong cách làm việc thực sự khoa học. Làm nghề luật phải nắm vững những quy định của pháp luật chứ không phải nhớ hết các điều khoản hay nội dung nguyên văn đến từng câu chữ của điều luật hay bộ luật đó.

Nếu nghĩ về nghề Luật theo một quan điểm quá máy móc và ít sáng tạo lại càng không đúng . Chúng ta cũng nhận ra rằng cuộc sống thì muôn hình, muôn vẻ còn pháp luật thì chỉ có một mà thôi. Thế nên sẽ không có khuôn mẫu nào phù hợp với mọi thứ trên đời được. Tuy văn bản pháp luật thật sự cứng nhắc nhưng việc áp dụng các quy định cần phải mềm dẻo và linh hoạt, có tình, có lý cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Công việc trong ngành luật, đặc biệt là với thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, thư kí tòa án,v.v…thường gặp áp lực lớn với khối lượng hồ sơ, tài liệu khổng lồ và những tình huống bất ngờ luôn có khả năng xảy ra.  Tùy vào nghề nghiệp cụ thể mà những người trong ngành này có điều kiện làm việc khác nhau.

Với những người trải nghiệm và làm nghề lâu năm, việc thẩm thấu pháp luật được dùng với từ” hiểu luật” hơn là “nhớ luật”. Hiểu biết các căn cứ pháp lý, các quy định pháp luật và các chế định về luật hay các văn bản quy phạm pháp luật là một trong những công cụ để hành nghề.

– Sau đây là một số nghề nghiệp trong ngành luật:

1.Thẩm phán.

Thẩm phán cũng còn gọi là quan tòa là người thực hiện quyền xét xử chính tại một phiên tòa, có thể là chủ tọa một mình hoặc là một thành phần trong hội đồng xét xử gồm nhiều thẩm phán. Các quốc gia khác nhau thì cũng có các quy định khác nhau về quyền hạn, chức năng, cách thức bổ nhiệm, kỷ luật, và đào tạo thẩm phán. Chỉ có Thẩm phán mới có quyền nhân danh Nhà nước tuyên án khi xét xử một vụ án cụ thể

 2.Kiểm sát viên (KSV).

KSV làm việc tại Viện Kiểm sát, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vai trò của KSV thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực tội phạm hình sự. KSV có quyền đưa một vụ phạm pháp ra xem xét để xử lý, ra lệnh bắt giữ, tham gia điều tra vụ án, truy tố tội phạm. Tại phiên tòa xét xử án hình sự, KSV làm rõ các hành vi phạm tội (buộc tội) và đề xuất hình phạt thích hợp. Còn trong phiên tòa xét xử các loại án khác, KSV có chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của mọi người, kể cả thẩm phán.

3.Luật sư.

Luật sư là người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý như: tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật, và có thể đại diện cho thân chủ hoặc bảo vệ quyền lợi của thân chủ trước tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng.

 Luật  sư có hai mảng công việc chính:

  • Bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại tòa án trong các vụ án hình sự, dân sự và hành chính. ( Gọi là luật sư tranh tụng, tố tụng)
  • Tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng. ( Gọi là Luật sư tư vấn);

Vai trò của luật sư trong xã hội ta ngày càng được coi trọng. Trong xu thế kinh doanh hiện đại, các doanh nhân đi đàm phán và ký kết hợp đồng cũng luôn cần luật sư đi cùng để tư vấn, đảm bảo ký kết được các hợp đồng có lợi về kinh tế và chặt chẽ về pháp lý.

4.Công chứng viên.

Công chứng viên làm việc tại các phòng công chứng Nhà nước. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch trong xã hội, xác nhận chữ ký của cá nhân, công chứng các bản sao từ nguyên gốc ( bản chính), các bản dịch từ tiếng nước ngoài.v.v…

5.Chấp hành viên.

Chấp hành viên làm việc tại các cơ quant hi hành án dân sự. Khi tòa án đã ra phán quyết mà một hoặc nhiều bên liên quan không chịu chấp hành, chấp hành viên (bằng các hình thức mà Nhà nước cho phép) buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra còn một số nghề khác trong lĩnh vực pháp luật như:

  • Chuyên viên pháp lý: là những người có bằng cử nhân luật, tham gia các công việc liên quan đến luật pháp tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức v.v…
  • Cố vấn pháp lý: là người cố vấn cho ban lãnh đạo cơ quan về các vấn đề chính sách, pháp luật.
  • Giáo viên, giảng viên luật: giỏi chuyên môn luật và có khả năng về sư phạm, bạn có thể trở thành giảng viên luật tại các trường đại học, cao đẳng hoặc giáo viên môn giáo dục công dân tại các trường phổ thông trung học.
  • Cán bộ nghiên cứu pháp luật: nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến luật pháp, giúp những người xây dựng pháp luật có thể viết được các đạo luật hay, phù hợp; giúp những người thi hành pháp luật áp dụng các quy định pháp luật một cách linh hoạt.
  • Điều tra viên: công tác trong cơ quan công an, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để khám phá ra những tình tiết của các vụ án hình sự.
  • Thư kí toà án: là người giúp thẩm phán những công việc cần thiết trong việc xét xử các vụ án.
  • Thẩm tra viên: làm việc tại các toà án nhân dân tối cao, chuyên nghiên cứu hồ sơ các vụ án đã được xét xử, đề xuất với lãnh đạo xem xét lại các bản án của toà án cấp dưới.

III.Năng lực, phẩm chất cần thiết khi đến với nghề.

Đến với nghề luật, mỗi người cần trang bị cho mình những phẩm chất, kĩ năng cần thiết.

Công bằng, trung thực, khách quan: Đây là phẩm chất cốt yếu của người luật sư nói riêng và ngành luật nói chung. Tất cả mọi người đều có quyền lợi như nhau nên người làm luật cần luôn công bằng, dựa vào thực tế, điều kiện xác thực để thực thi luật.

Tinh thần trách nhiệm cao: Là công việc liên quan đến pháp luật nên chỉ cần một sai sót nhỏ có thể sẽ gây ra hậu quả lớn. Vì thế để làm việc trong ngành luật cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc hết sức mình.

Có sự nhạy cảm nghề nghiệp, khả năng phân tích, tổng hợp cao: Với một số lượng hồ sơ, dữ liệu phức tạp thì người làm luật cần có kỹ năng phân tích tốt, nắm bắt được tổng quan sự việc và đưa ra những quyết định đúng.

Có khả năng diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ: Người làm trong ngành luật phải nói nhiều, đặc biệt là người luật sư thì không thể thiếu kĩ năng này, lời nói của người làm luật phải có tính thuyết phục.

Có một lập trường vững vàng: Người làm luật cần luôn giữ được chính kiến của mình, tư tưởng vững mạnh và phù hợp với điều kiện khách quan, không để bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực.

IV.Nơi đào tạo và điểm đầu vào.

1.Nơi đào tạo.

Để làm nghề luật bạn phải có những kiến thức pháp luật cơ bản ở trình độ cử nhân luật trở lên. Tức là các bạn phải tốt nghiệp những cơ sở đào tạo chuyên ngành luật.

Ba cơ sở đào tạo cử nhân luật lớn nhất trong cả nước là Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngoài ra các bạn có thể theo học ngành Luật ở rất nhiều các trường Đại học khác. Sau đây là danh sách một số các trường đại học khác có đào tạo ngành Luật:

Nếu có khả năng ngoại ngữ và điều kiện tài chính, bạn có thể tới học tại khoa luật ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Harvard (Mỹ), Oxford (Anh) hay MGU (Nga)… Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn làm quen và học hỏi trong những cái nôi đào tạo luật nổi tiếng thế giới.

Còn nếu không có khả năng theo học luật hệ chính quy, các bạn hoàn toàn có thể đăng ký học tại chức luật theo hai hệ trung cấp luật và đại học luật. Hệ trung cấp luật được tổ chức ở một số địa phương để cung cấp nguồn cán bộ pháp luật cho các cơ quan cấp cơ sở như ủy ban nhân dân xã, phường v.v…

2.Chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo cử nhân luật kéo dài 4 năm với rất nhiều các môn học chuyên ngành luật khác nhau:

 Luật hiến pháp, Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật hành chính, Luật thương mại, Luật lao động, Luật đất đai, Luật môi trường, Luật công pháp quốc tế, Luật tư pháp quốc tế, Luật thương mại quốc tế.v…

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, bạn đã có thể trở thành các chuyên gia pháp lý làm việc ở tất cả những nơi có nhu cầu, như các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các trường học, viện nghiên cứu, các tổ chức kinh tế v.v…

Tuy nhiên, để được Nhà nước bổ nhiệm vào một số chức danh đặc thù như thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, ngoài việc tốt nghiệp đại học luật, bạn còn phải trải qua một khóa đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp.

Còn nếu muốn tiến xa hơn nữa trên con đường học vấn, bạn có thể tiếp tục học cao học, nghiên cứu sinh để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ luật học ở các cơ sở đào tạo luật kể trên.

3.Điểm chuẩn ngành luật năm 2017.

Đại học luật Hà Nội: Đại học luật Hà Nội tuyển sinh theo phương thức lấy 70% điểm thi THPT Quốc gia và 30% điểm học bạ để xét tuyển.

Chú ý: Điểm trúng tuyển đã bao gồm điểm ưu tiên (nếu có). (*): Ngành Luật thương mại quốc tế và ngôn ngữ Anh môn tiếng Anh tính hệ số 2, quy về thang điểm 30 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại học Luật Thành Phố Hồ Chí Minh:

Chú ý: Điểm trúng tuyển này được xác định sau 2 giai đoạn thực hiện đề án tuyển sinh riêng (xét tuyển sơ bộ và kiểm tra năng lực) với 3 tiêu chí: học bạ (tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển), điểm thi THPT quốc gia năm 2017 (tỷ trọng 50% điểm trúng tuyển) và điểm kiểm tra năng lực (tỷ trọng 40% điểm trúng tuyển).

Đại học Ngoại Thương:

Khoa Luật – DDHQG Hà Nội:

Ngành Luật học: 27,25; Ngành Luật kinh doanh: 24,00.

Học viện Ngân Hàng: Ngành Luật kinh tế: 25,25.

Học viện Ngoại Giao (Khoa Luật Quốc tế)

-Khối thi A1: 25,25 ( Tiếng Anh :7,8); Khối thi D1:25,25 (Tiếng Anh: 7,4).

Đại học Thương Mại: 22,75.

Đại học Nội vụ:

-Luật (Học tại HN –C00): 23,5 ;  Luật ( Học tại HN –A00,A01,D01): 20,5.

-Luật (Phân hiệu Quảng Nam –C00): 16,75.

-Luật (Phân hiệu Quảng Nam – A00,A01,D01): 15,5.

Đại học KD và CN Hà Nội: 18,00.

Đại học Công Đoàn:  -Tổ hợp A01, D01: 23,75. ; Tổ hợp C00: 24,75.

Đại học Kinh tế Quốc Dân: 25,00.

Đại học Tôn Đức Thắng: 24,25.

Đại học Mở Hà Nội:

Luật: 19,75 ( Toán 6,8);  Luật Kinh Tế: 20,5 (Toán 7,8); Luật Quốc Tế :19,25 (Toán 7,8).

V.Cơ hội việc làm.

Các bạn sinh viên tốt nghiệp ra trường đều mong muốn tìm được một công việc, trước là ổn định cuộc sống, sau là duy trì cuộc sống với số tiền lương nhận được và có nhiều cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp.

Tuy nhiên tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ở một số ngành nghề hiện nay khá phổ biến. Nhưng bạn hãy yên tâm rằng học Luật không bao giờ lo thất nghiệp. Bởi với một ngành học đa dạng như vậy, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một cơ hội việc làm rộng mở ở trong các cơ quan nhà nước hay các văn phòng, công ty Luật. Thậm chí ở các Doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều cần đến một nhà tư vấn luật, vì khi tham gia bất cứ hoạt động nào thì đều cần có pháp luật bảo vệ và điều chỉnh.

Cho dù bạn không thích tất cả những công việc kể trên thì vẫn còn một cơ hội nữa cho bạn. Bạn hoàn toàn có thể tự mình kinh doanh và kiến thức luật không bao giờ thừa. Rất nhiều sinh viên ngành luật sau khi tốt nghiệp đã tự mình gây dựng cơ sở kinh doanh và rất tự tin với kiến thức của mình, đứng vững được trên thương trường và thành đạt.

Nhưng dù làm công việc gì, quan trọng nhất cũng là  sự đam mê, có như vậy, bạn mới thật sự cống hiến và làm việc hết mình. Hãy sống đúng với đam mê của mình và dũng cảm theo đuổi ước mơ bạn nhé !

Ban truyền thông

Bùi Chung

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020