(ĐDT) – Hôm nay đã là ngày ông Công ông Táo, vậy là Tết sắp đến rồi! Năm đầu tiên xa nhà trong vài tháng, tôi thấy nhớ quê hương mình nhiều quá. Nhớ cái không khí đầm ấm mỗi khi Tết đến xuân về!
Một chút khác với không khí Tết ở Thủ đô. Tết đến với những người dân quê tôi – Phú Thọ – sớm hơn một chút. Đào trong vườn bắt đầu chớm những bông hoa mới nở, cùng với nhiệt độ luôn thấp hơn Hà Nội 2-3 độ nên cái se lạnh và những cơn mưa phùn dường như báo hiệu rõ rệt nhất: Tết sắp về. Tất cả ký ức về ngày Tết của tuổi thơ lại chợt hiện về.
Hình ảnh đền Giếng Phú Thọ
5h sáng ở quê, khi tất cả còn đang bao trùm trong màn sương sớm, khu nhà tôi đã nhộn nhịp những ánh đèn xe qua lại, những gánh rau vội vã trên đường, những câu chuyện đùa vui của những người đi tập thể dục, đi chợ sớm. Gần tết dòng người có vẻ đông đúc hơn mọi khi, nhưng cũng không quá ồn ào bởi tiếng còi xe, tiếng công trường khoan cắt bê tông, hay ít ra mọi người có thể không cần đem theo khẩu trang và kính mắt mỗi khi ra ngoài.
Lác đác các ngôi nhà bắt đầu được sửa sang, sơn lại vôi và lau dọn. Những người con xa nhà học tập và làm ăn bắt đầu trở về quê và quây quần bên gia đình đón Tết. Bởi thế mà tôi thích Tết ở quê hơn. Hà Nội dù ngày thường ồn ào, tấp nập là thế nhưng ngày Tết lại mất đi vẻ tấp nập, chỉ còn lại những con phố rộng thênh thang trải dài, những cánh cửa đóng kín mít. Tết về trên quê tôi đông vui lắm. Bởi thế mới nói, dù có đi xa đến đâu, đến Tết người ta vẫn muốn trở về đoàn tụ với gia đình và ăn Tết trên mảnh đất nơi họ từng chôn rau cắt rốn.
Tết vắng vẻ trên những con đường Hà Nội
Chợ hoa Tết đã nhiều hơn những gốc đào, gốc quất đỏ rực, đôi khi là điểm xuyết những gốc mai vàng. Tết năm nào cũng thế, tôi lượn lờ từng góc để chọn cành đào đẹp nhất rồi trổ tài trang trí với đèn nhấp nháy thật đẹp. Dù đã có nhiều điểm khác xưa, nhưng nhà tôi vẫn giữ truyền thống nấu bánh chưng Tết. Có lẽ bởi mùi vị của bánh chưng do chính tay mình làm thật khác, gạo nếp thơm, quánh lại chút béo của thịt mỡ với vị đậm đà của đỗ. Thật khó để tìm thấy những nồi bánh chưng nghi ngút khói ở Hà Nội. Cảm giác được ngồi trông nồi bánh, tự tay nướng những bắp ngô, củ khoai thơm phức và tí tách trò chuyện suốt cả đêm là những trải nghiệm tuyệt vời trong tuổi thơ tôi.
Giao thừa có lẽ là khoảnh khắc tuyệt vời nhất của Tết. Ở quê chẳng có pháo hoa tầm cao và cũng không có cảnh chen chúc nghẹt thở đi xem như ở Bờ Hồ. Chúng tôi đón cái Tết nhẹ nhàng ấm áp bên người thân và đôi khi là rộn ràng vui vẻ với lũ trẻ hàng xóm. Mọi người háo hức đếm ngược cho đến khi đồng hồ trên tivi điểm những thời khắc đầu tiên của năm mới. Đâu đó vang lên bài hát Happy new year. Mọi người lại tấp nập đi xông nhà anh em, hàng xóm. Rộn ràng quá!
Tết với quê hương tôi – đất Tổ – khác biệt hơn bất kỳ nơi nào trên đất nước. Có một số năm tôi cũng được đi Đền Hùng sau khi đón giao thừa. Cảm giác được về với nơi nguồn cội, được thắp nén hương và cầu một năm mới an lành, hạnh phúc đến với gia đình luôn khiến tôi thấy thật đặc biệt. Đứng trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống quê hương, tôi cảm giác yêu thương nơi đó hơn bao giờ hết.
Cổng vào đền Hùng Phú Thọ
Hồi còn nhỏ, niềm vui lớn nhất khi đến Tết của tôi được mặc những bộ váy áo sặc sỡ và được nhận thật nhiều tiền mừng tuổi. Chính vì thế mỗi lần giao thừa xong tôi lại ước Tết năm sau mau đến thật nhanh. Lớn một chút rồi, tôi lại muốn mình nhỏ đi để lại được sống những không khí ngày đó. Những ước muốn thật trẻ con làm sao! Tết về trên quê hương tôi thật tuyệt.
Với tâm hồn của một cô bé thích ăn uống, ham sưu tầm phương thức các món ăn đặc sản vùng miền tôi cũng xin giới thiệu đến các bạn một số món ăn đặc sản vùng đất tổ Hùng Vương.
Bạn đã từng nghe bài hát về rừng cọ xanh mướt vùng trung du chưa, hãy cùng tôi trải nghiệm vị ngọt bùi béo ngậy của những trái cọ om. Rồi tiếp tục thưởng thức những món bánh với cái tên thật lạ: bánh tai, bánh tẻ với mùi thơm của hạt tiêu, cùng chút hương vị chè đậm đà. Tất cả những điều đó đã làm nên không khí Tết thật tuyệt vời ở Phú Thọ như đúng với cái tên mà nó vốn có – Phú là trù phú, Thọ là bền lâu.
Sau đây tôi sẽ giới thiệu cho các bạn cách làm bánh tai-món mà tôi rất thích nhé!
Bánh tai
Nguyên Liệu: 1kg bột gạo tẻ, 300 g thịt nạc vai, 2 củ hành tím, 500 ml nước, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/3 thìa cà phê muối, 1/3 thìa cà phê hạt tiêu.
Thực Hiện:
-Thịt rửa sạch, để ráo, băm để nhỏ, ướp 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/3 thìa cà phê muối, 1/3 thìa cà phê hạt tiêu.
– Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn cùng thịt. Đun 500 ml nước cho ấm.
– Lấy ½ kg bột gạo cho vào thau to, chế nước từ từ vào và nhồi cho đến khi bột gạo đạt độ dẻo là được.
– Ngắt một ít bột, nặn thành viên tròn, dùng lòng bàn tay ấn dẹp ra, co nhân thịt vào, kẹp lại thành hình bán nguyệt và miết mép bánh kín lại. Làm lần lượt cho đến khi hết bột.
– Xếp bành vào nối, hấp chín khoảng 30 phút.
– Bánh dung kèm bước mắm pha.
Lưu ý: chiếc bánh đạt yêu cầu phải dẻo, giòn, nhìn thấy trong, có độ bóng, nhân thấm đều bánh sau khi hấp.
Tôi đã vừa chia sẻ cho các bạn cách làm bánh rồi đấy. Nếu bạn muốn thử thì chúc bạn thành công!
Xuân sắp về trên sắp đất nước, Tết sắp về trải dài trên mọi quê hương, chúc mọi người mọi nhà có một cái Tết vui vẻ đầm ấm và hạnh phúc bên người thân; chúc các bạn học giỏi; kính chúc thầy cô sức khỏe, hạnh phúc!
Học sinh Dương Thanh Hoa
2013 – 2016