919 lượt xem

Một bài văn nghị luận xã hội sáng tạo

(ĐDT) – Cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng – Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn trường THPT Đào Duy Từ xin giới thiệu tới các em đề và bài văn nghị luận xã hội dưới dạng mở. Hi vọng đề và bài văn này sẽ giúp các em học hỏi được kinh nghiệm viết bài nghị luận xã hội đạt điểm tốt. Trong thời gian tới cô sẽ giới thiệu đến các em nhiều đề và bài viết tham khảo (đặc biệt dành cho học sinh khối 12 thi Đại học)

ĐỀ BÀI:

Trong cuốn “Chia sẻ tâm hồn và quà tặng cuộc sống” của hai tác giả Jack Cafield và Mark Victor Hasen có mẩu chuyện sau:

Tại một thị trấn nhỏ của Tây Ban Nha có một người đàn ông tên Jorge vừa cãi vã dữ dội với cậu con trai Paco của mình. Ngay hôm sau ông phát hiện ra giường của Paco trống không – cậu bé đã bỏ đi. Vượt qua những ăn năn hối hận ông nhận ra con trai quan trọng hơn tất cả. Với mong muốn bắt đầu lại, Jorge đến một cửa hiệu nổi tiếng ở trung tâm thị trấn và dán một tờ giấy có dòng chữ: “Paco, con hãy trở về nhà. Bố yêu con. Gặp bố ở đây ngày mai con nhé.” Sáng hôm sau khi Jorge đến cửa hiệu thì không chỉ có một , mà đến bảy cậu bé cùng có tên Paco bỏ nhà ra đi đã đứng đợi ở đấy…”

Đọc mẩu chuyện trên em có suy nghĩ gì?

BÀI LÀM

Tây Ban Nha, ngày… tháng… năm…

Cha yêu quý!

Đã hai ngày rồi con trở về nhà, kể từ trận cãi cọ giữa cha con ta và con đã bỏ nhà đi. Con vẫn còn nhớ mình đã hạnh phúc biết bao khi thấy tờ giấy có nét chữ của cha viết rằng: “Paco, con hãy trở về nhà. Bố yêu con. Gặp bố ở đây ngày mai con nhé”. Con đã rất bàng hoàng khi thấy, ngày hôm sau, có đến sáu người cùng có tên Paco xuât hiện, chờ đợi cha với ánh mắt hi vọng. Và đôi mắt họ cụp xuống, thoáng có giọt lệ, khuôn mặt gầy gò trắng bệch khi thấy cha bước đến và ôm lấy con. Nó khiến con suy nghĩ nhiều về tình phụ tử – tình cảm thiêng liêng trong gia đình, cha ạ!

Lớp học dạy cho con thế nào là tình phụ tử. “Phụ” là cha, “tử” là con, “phụ tử” là tình cảm cha con trong quan hệ gia đình. Những tác phẩm văn chương cho con cảm nhận: tình cha luôn nghiêm khắc, cứng rắn trái với sự dịu dàng, ân cần nơi mẹ. Nhưng đó sẽ mãi chỉ là kiến thức khô khan nếu con không có cha, không cảm nhận được tình yêu của cha. Cha từng nói mình không biết cách thể hiện tình cảm như mẹ. Vậy nên lời khen của cha đôi khi hơi cứng nhắc. Cha nói những lời yêu thương vụng về. Cả cách cha dạy con cũng vô tình khiến con tức giận, mất bình tĩnh, bỏ nhà đi. Con đã hối hận, xót xa biết bao khi thốt lên rằng: “Con ghét cha” để rồi đóng sập cánh cửa, bỏ mặc cha đứng như chôn chân dưới đất. Và con đã hành động một cách dại dột là bỏ nhà đi. Số tiền ít ỏi mang theo chỉ đủ để con mua một cái bánh mì khô khốc. Nó khiến con nhớ đến bữa ăn cha nấu khi mẹ vắng nhà, canh có hơi mặn, rau hơi nhừ … nhưng nó thật ngon và ấm áp biết bao! Cái ghế lạnh lẽo ở công viên – nơi con nằm cả đêm – gợi nhớ sự êm ái của chiếc giường con hay nằm. Tất cả điều ấy khiến con nhận ra mình đã sai lầm chỉ vì sự bực dọc nhất thời mà quên đi tình yêu thương, sự ấm áp nơi cha. Nhưng sự xấu hổ đã khiến con không sao dám cất bước trở về nhà. Đến khi nhìn thấy dòng chữ: “Paco, con hãy trở về nhà. Bố yêu con. …” mắt con đã nhòe lệ, vì sung sướng, vì cả hối hận nữa cha ạ! Và con đã hạnh phúc biết bao khi được ôm trọn trong vòng tay cha, được nghe lời trách mắng nhẹ nhàng của cha. Nhưng lúc con nhìn thấy những cậu bé Paco kia, đôi mắt rơm rớm cùng gương mặt thất vọng tràn trề, con nhận ra rằng mình hạnh phúc biết bao khi có cha.

Trong cuộc sông bộn bề nhiều lo toan, con người ta ít dành thời gian cho nhau hơn. Con hiểu được phần nào cảm giác của một đứa trẻ phải sống trong căn nhà rộng thênh thang khi cha mẹ đi làm đến chiều muộn mới về. Con nghe đứa bạn nói nó chán nản thế nào khi cha mẹ đưa nó số tiền mà cả tháng nó cũng chẳng tiêu hết, trong khi chẳng thể dành một chút thời gian cho nó. Hay có những khi con giận dỗi nói những lời làm tổn thương cha mà chẳng chịu nhận lỗi. Có thế chính điều ấy đã làm rạn nứt tình cảm trong gia đình, khiến cho những cậu bé như con hành động một cách dại dột là bỏ nhà đi. Có thể là sự nóng giận nhất thời, muốn chứng tỏ bản thân hoặc đơn giản chỉ vì muốn cha mẹ quan tâm đến mình một chút. Chính suy nghĩ, hành động lệch lạc ấy đã vô tình đẩy những đứa trẻ ấy vào con đường sa ngã. Nó làm con nhớ đến ngôi sao nhí Macaulay Cullin trong phim “Ở nhà một mình”. Cậu được cha mẹ nuông chiều để rồi liên tiếp xảy ra các vụ bê bối. Năm hai tư tuổi, cậu bị phạt án tù ba năm vì tội tàng trữ ma túy.

Cha  từng nói cha rất buồn vì không thể dành thời gian cho con nhiều hơn nên không thể hiểu rõ tâm lí của con. Vì vậy cha luôn nghiêm khắc dạy dỗ con, khiến có những khi cuộc trò chuyện giữa cha con ta trở nên gay gắt. Con còn nhớ câu chuyện dạy con của mẹ Mạnh Tử. Khi biết con trốn học đi chơi, bà đã dùng kéo cắt mảnh vải đang dệt, rồi nói với con: “Con sao nhãng việc học tập cũng như khi mẹ dệt vải. Vải chưa dệt xong mà đã cắt đứt thì sẽ không bao giờ hoàn chỉnh”. Giờ con mới hiểu bà mẹ ấy cũng như cha vậy, luôn nghiêm khắc để con trưởng thành, lặng lẽ giúp con tự ý thức được mình để sửa chữa sai lầm. Con nhận ra mình thật may mắn khi có cha, hơn những cậu bé Paco kia, hơn nhiều đứa trẻ thiếu vắng tình thương nơi cha mẹ, và hơn cả những cậu con nhà giàu quen được nuông chiều mà sinh hư hỏng.

Con nhớ đến một câu châm ngôn đăng trên báo “Trà sữa cho tâm hồn”:

“Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhièu hơn”

Thông điệp ấy không chỉ dành cho con mà còn cho rất nhiều người khác. Bấy lâu nay, họ luôn suy nghĩ lệch lạc, hành động theo cảm tính mà không quan tâm đến tình cảm của cha mẹ dành cho mình. Hãy sống chậm lại một chút thôi, để yêu thương nhau nhiều hơn, có như vậy tình cảm gia đình mới được vun đắp từng ngày và sẽ chẳng thể có những rạn nứt. Con tin rằng chỉ những việc làm nhỏ thôi, như nấu một bữa sáng, gọi điện thoại hỏi thăm hay đơn giản là ôm lấy cha thật chặt… cũng đủ khiến cha hạnh phúc và mọi xích mích sẽ chẳng còn. Như cách mỗi tối cha thường nhẹ nhàng bước vào phòng khi con đã ngủ, đóng kín cửa sổ, kéo chăn che kín cho con, và vuốt nhẹ trán con nói thật khẽ: “Ngủ ngon nhé, con trai”.

Con biết một bài hát của cố nhạc sĩ người Việt – Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…”. Phải chăng gió sẽ đưa tình yêu thương ấy bay đi xa, neo đậu vào trái tim mỗi người? Để những đứa con thấu hiểu tình nghĩa sâu nặng của người đã sinh thành ra mình, và sẽ chẳng còn những Paco như thế tồn tại trên đời.

Con viết bức thư này để gửi lời xin lỗi chân thành, và cũng cảm ơn cha đã dạy con rất nhiều qua chuyện này. Nhưng trên tất cả con chỉ muốn nói một điều: “Con yêu cha. Và con thật hạnh phúc biết bao khi là con của cha.”

Con của cha!

   Paco

Nguyễn Hoài Thương – 11D0

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020