891 lượt xem

Học sinh cần chuẩn bị gì trước khi vào lớp 6?

Lên lớp 6, môi trường học tập hoàn toàn khác so với cấp Tiểu học sẽ khiến học sinh lúng túng, bỡ ngỡ. Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà đã có những chia sẻ nhằm giúp phụ huynh học sinh chuẩn bị hành trang vững chắc trước khi bước vào bậc học mới.

Học sinh cần chuẩn bị gì trước khi vào lớp 6?

Học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 sẽ có nhiều bỡ ngỡ vì bậc học mới có nhiều sự khác biệt, xuất hiện các môn học mới. Ảnh: Hải Nguyễn

Về thời lượng môn học

Ở bậc THCS, mỗi giáo viên giảng dạy một môn, với thời gian thường là 45 phút/môn. Riêng môn Ngữ văn, Toán có tiết đôi là 90 phút/môn. Kết thúc mỗi tiết học này sẽ chuyển sang tiết học môn khác, do vậy các em phải thật tập trung để lắng nghe, tiếp thu, nắm vững kiến thức mỗi tiết học/môn học.

Với nội dung kiến thức nào không rõ các em cần mạnh dạn hỏi thầy cô vì “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình học kiến thức tiếp theo, tiết học sau, môn học liền sau.

Về chương trình học, môn học

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở bậc THCS, các em sẽ được học những môn học mới như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; Nội dung giáo dục địa phương, Nghệ thuật.

Chương trình mới, phương pháp mới, dạy học phát huy năng lực phẩm chất học sinh sẽ khác so với cách dạy cầm tay chỉ việc, đọc chép ở cấp Tiểu học nên các em sẽ có nhiều bỡ ngỡ.

Để học tập tốt và thích nghi nhanh, các em cần phải thay đổi phương pháp học. Cụ thể, trong từng tiết học các em cần tập trung lắng nghe thầy cô giảng và ghi nội dung kiến thức chính thầy cô hướng dẫn. Thầy cô chỉ là người định hướng cho các em, còn các em chủ động với việc học của mình là chính.

Về kiểm tra, đánh giá

Cấp THCS, việc kiểm tra đánh giá học sinh được thực hiện theo Thông tư 22. Cụ thể, giáo viên đánh giá bằng nhận xét đối với các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Giáo viên đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số đối với các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học… Số lần kiểm tra (cột điểm) tương ứng từng môn học khác nhau căn cứ trên số tiết học từng môn theo qui định gồm: Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ (kiểm tra giữa kì và kiểm tra cuối kì) ít nhất 8 cột điểm/môn học/năm.

Vì vậy phụ huynh quan tâm nhắc nhở các em chủ động có kế hoạch trong việc học bài, ôn bài và làm làm tập ở nhà để đạt được kết quả cao khi kiểm tra.

Xây dựng ý thức tự học

Ngay từ hè, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 6 đã cho các em đi học thêm một số môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh với hy vọng theo kịp bạn bè. Điều này là dễ hiểu, bởi cha mẹ nào cũng lo lắng và muốn con có thể học tập, phát triển một cách toàn diện.

Dù vậy, cha mẹ cần hiểu rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nội dung kiến thức đảm bảo mức độ vừa phải. Yêu cầu cần đạt trong mỗi tiết học bài học vừa sức đối với học sinh. Vậy các em chỉ tập trung học ở trường, lớp là đạt yêu cầu, không cần phải học thêm. Trừ những em tiếp thu chậm cần được thầy cô hướng dẫn phụ đạo thêm.

Điều quan trọng và lâu dài là thầy cô, phụ huynh cần rèn cho các em ý thức tự học, tự rèn luyện ở nhà. Khi học ở trường về, các em cần chủ động xem lại kiến thức đã học rồi làm bài tập, đọc sách, tìm hiểu, vận dụng, mở rộng nội dung thầy cô hướng dẫn. Từ đó, hình thành nếp quen tự học, chủ động trong việc tiếp cận kiến thức.

Nguồn: Học sinh cần chuẩn bị gì trước khi vào lớp 6? (laodong.vn)

Tuyển sinh trường THPT Đào Duy Từ năm học 2019-2020