(ĐDT) – Những thế hệ học trò của ngôi trường THPT Đào Duy Từ sẽ không thể nào quên hình ảnh người thầy tóc bạc, cần mẫn sớm hôm mang đến cho học sinh những bài giảng trí tuệ. Tôi muốn nói đến thầy Hà Quang – giáo viên giảng dạy môn Hóa.
Vốn được đào tạo theo chuyên ngành Hóa tại trường Đại học Tổng hợp, có hơn 50 năm kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi đại học nhưng ít ai biết được người thầy giảng dạy môn tự nhiên lại mang trong mình một duyên nợ văn chương.
Thơ ca đối với thầy như là duyên nợ
Thầy sinh ra ở vùng quê Vĩnh An, Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Vùng quê nghèo nhưng phong cảnh thiên nhiên thơ mộng đã hun đúc nên tâm hồn văn chương cho người con quê hương
“Ôi quê hương, có một dòng sông, chiều in bóng núi
Diều sáo êm ru giấc ngủ trưa hè
Những ngõ đá, đường trâu đi lầy lội
Dòng sông trăng, vang dội tiếng hò khoan”
Thêm vào đó, thầy cũng chịu ảnh hưởng từ truyền thống văn chương của gia đình. Anh trai là GS Hà Minh Đức – nhà lí luận phê bình văn học – nguyên Viện trưởng Viện văn học, chủ nhiệm khoa Báo chí Đại học Quốc gia Hà Nội. Em gái Hà Thị Diệp chuyên ngành báo Sân khấu – điện ảnh.
Vợ thầy- Cô Trần Thu Hằng cũng là giáo viên dạy Văn
Bởi vậy thơ ca đối với thầy Hà Quang như một duyên nợ! Viết để tiếp nối truyền thống văn chương của gia đình, viết để gửi gắm cảm xúc lòng mình. Những bài thơ thầy viết về phong cảnh thường được gợi cảm hứng từ những chuyến đi. Lời thơ kiệm, ý thơ sắc, tình thơ sâu. Cảnh được soi chiếu qua cái nhìn của một thi nhân – tình nhân lãng mạn. Đó là bức tranh về xứ sư tử biển – Singapore:
“Đất nước đang vào thì xuân sắc
Thịt da đang đường nét đáng yêu”
Hay Thái Lan – đất nước chùa vàng:
“Đất nước bốn mùa cây xanh quả ngọt
Một bến tình đưa đón khách hào hoa”
Về với Đà Lạt, Nha Trang cảnh mộng mơ, lãng đãng trong sương – núi – hoa
“Thiền viện Trúc Lâm một chiều lạnh giá
Sắc hồng hoa pha màu má ni cô
Trong sương gió tiếng chuông chùa lãng đãng
Vượt ngàn xanh về cõi hư vô”
“Hồ Than Thở giữa đồi thông hai mộ
Sương bâng khuâng trong thung lũng tình yêu
Chợt nắng chợt mưa những lâu đài ẩm ướt
Khuất trong hoa trong khoảnh khắc mây mù”
(Đà Lạt)
“Núi xám sẫm như bầy voi xuống tắm
Biển mơ màng mãn nguyện chờ mong”
(Nha Trang)
Những bài thơ được gợi cảm hứng từ những sự kiện đau thương thì lời thơ thấm thía mang phong vị triết lí. Ngày cố đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, cả dân tộc xót xa đau đớn, thầy Hà Minh Quang có viết một bài thơ với nhan đề giản dị “Tiếc thương” nhưng ngẫm ra trong đó là triết lí về nhân cách cao thượng của một đời người
“Có một khu rừng vinh danh ĐẠI TƯỚNG
Lung linh ban trắng, giữa Mường Thanh
Có vạn nẻo đường, muôn dân thành kính,
Khóc, tiễn đưa vị tướng lĩnh nhân từ
Có thuở đối đầu, ai trùng dương xa cách
Cũng khói hương dâng TƯỚNG THÁNH anh hùng
Đất nước hồi xuân, im dần tiếng súng
Mà mây trời, vẫn vũ mãi không yên
Có ai đó, giây phút này, cúi đầu hổ thẹn
Ngẫm nhận ra, bao hành xử KÉM HÈN!”
Tôi tin rằng, đọc những câu thơ/bài thơ trên nhiều học sinh không nhận ra một thầy giáo Hà Quang nghiêm khắc đứng trên bục giảng với những công thức, phương trình phản ứng hóa học. Tôi may mắn được gần gũi, trò chuyện với thầy nhiều nên không biết tự lúc nào đã cảm nhận được tình yêu – tâm hồn văn chương của một người thầy đáng kính! Ngày 20 – 11 sắp đến gần, xin được kính chúc thầy mạnh khỏe! minh mẫn tiếp tục mang đến cho học sinh những bài giảng trí tuệ, làm đẹp cho đời với những câu thơ tài hoa!
Lunar
Thu 2013