Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" tính chất phát của người nông dân cày cấy ở Việt Nam…
Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội, giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng … Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán.
Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết. Cùng với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần cao qúi thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai, hoa Ðào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Ðào, cành Mai, mấy ngày tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc cho một năm mới đến.
Dưới đây là một số phong tục trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam .
1. Cúng ông Công, ông Táo
Mâm cúng ông Công, ông Táo
Ngay từ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam đã dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp để cúng ông Công, ông Táo, lễ cúng truyền thống phải có cá vàng để tiễn ông về trời, mong ông sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt vì theo quan niệm dân gian đây là ngày mà Ngọc Hoàng sẽ trách phạt hay thưởng gia chủ dựa trên những gì mà ông Táo báo cáo.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm những gì? Bày biện mâm cúng ông Công ông Táo sao cho đúng lễ nghi và văn khấn ông Táo như nào thường là những thắc mắc của rất nhiều người.
2. Thăm mộ tổ tiên
Con cháu thường đi thăm mộ tổ tiên từ khoảng 23 đến 30 tháng chạp, sửa sang, dọn dẹp để bày tỏ lòng hiếu thảo và mời vong linh tổ tiên về ăn Tết cùng với con cháu.
3. Tục Gói bánh Chưng
Bánh Chưng là món ăn truyền thống, lâu đời của người Việt. Ngay từ những ngày 28, 29 Tết, các gia đình Việt Nam thường gói bánh Chưng để làm quà biếu Tết và để thưởng thức. Ăn bánh Chưng để nhớ về công ơn của tổ tiên, cha mẹ và gợi nhớ đến câu chuyện vua Hùng kén phò mã từ rất lâu đời.
4. Hoa Tết
Ngày Tết, người Việt thường mua những cây hoa tượng trưng cho sự may mắn như: đào, mai, quất…để xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới luôn vui vẻ, hạnh phúc, thịnh vượng, viên mãn cho cả gia đình.
5. Mâm ngũ quả
Bày mâm ngũ quả cũng là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của các gia đình Việt. Mâm ngũ quả tượng trưng cho Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ theo quan niệm của Khổng giáo với nghĩa chung sâu sắc, gắn liền vơi sự hiếu thảo và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
6. Rước vong linh ông bà
Đêm giao thừa, người Việt thường bày biện hoa quả, đồ cúng thành mâm cỗ để dâng lên ông bà, tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của năm cũ, ước mong cho năm mới sắp đến.
7. Cúng Tất Niên
Cúng tất niên là một lễ cúng có từ lâu đời và là truyền thống tốt đẹp vào ngày Tết của người Việt. Hằng năm cứ sau ngày 23 tháng chạp thì chúng ta chuẩn bị cho ngày cúng tất niên.
Tất niên là dịp người dân soát xét tất cả hoạt động gọi là công nợ trong năm, nợ nần ai thì bằng mọi cách trả cho xong trước ngày 30 Tết. Người ta tránh không để nợ nần kéo dài sang năm mới.
Lễ cúng tất niên còn là dịp các thành viên trong gia đình tụ họp, ngồi lại với nhau sau một năm làm việc vất vả. Các con cháu tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cảm tạ trời đất.
Để chuẩn bị cho lễ cúng tất niên, người dân dọn dẹp nhà cửa, sân vườn cho tươm tất, đặc biệt là chăm chút lau dọn bàn thờ gia tiên để rước ông bà vào dịp Tết.
8. Tục chúc Tết
Tết Nguyên Đán là một dịp để cho mọi thành viên trong gia đình vui vầy sum họp. Đó là thời gian bày tỏ sự thương yêu thắm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý. “Mồng một là Tết nhà cha”: sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết. Ngày xưa họ còn được con cháu tế sống với hai lạy hai vái. Để mừng tuổi con cháu là những bao lì xì đỏ tươi làm rạng ngời ánh mắt bọn trẻ. “Mồng hai nhà mẹ”: cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình.
“Mồng ba Tết thầy”: sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên tư cách đạo đức của một con người. Tóm lại, tục chúc Tết là một nét văn hoá thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, lòng hiếu thảo tron cần phải có trong sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.
9. Xuất hành đầu năm
Ngày mồng một đầu năm, người Việt Nam thường chọn giờ đẹp, hướng đẹp để xuất hành, hi vọng có năm mới may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà.
10. Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi
Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà tự đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm và nhà cửa, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía".
Sau giao thừa là tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc.
Ngày Tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rãnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui. Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ. Sau ngày mùng Một tết, dù có mải vui tết cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày".
Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.